A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huyện Buôn Đôn loay hoay với vay vốn tái canh cà phê

14:30 | 29/03/2016

Mục tiêu cho vay tái canh cà phê là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng thu nhập cho người trồng cà phê, góp phần phát triển ngành cà phê bền vững, song ở Buôn Đôn, việc triển khai chính sách này vẫn đang là vấn đề nan giải…

Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT Buôn Đôn, trên địa bàn huyện có  3.700 ha cà phê, hầu hết trong đó đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh. Để giúp người trồng cà phê ở đây giải quyết khó khăn về vốn tái canh, từ đầu năm 2015, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Buôn Đôn (Agribank Buôn Đôn) đã phối hợp với các cơ quan liên quan của huyện triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai giải ngân được. Giám đốc Agribank Buôn Đôn Trần Ngọc Bích cho rằng, hầu hết các hộ trồng cà phê đều có nhu cầu nâng mức cho vay cao hơn so với quy định, và muốn được giải ngân một lần vào thời điểm mới bắt đầu cày xới đất. Thế nhưng, nhiều hộ có nhu cầu vay vốn hiện đang có dư nợ và thế chấp tài sản bằng vườn cây cà phê tại ngân hàng hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên ngân hàng không thể cho vay.

Một vườn cà phê cần tái canh trên địa bàn huyện Buôn Đôn.

Một vườn cà phê cần tái canh trên địa bàn huyện Buôn Đôn.

Thực tế là người dân rất muốn được tái canh vườn cây già cỗi của mình, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ không thực hiện được. Ông Hà Đình Phùng, một người dân trồng cà phê lâu năm ở xã Tân Hòa cho hay, khi có chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người trồng cà phê, gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng cà phê khác đều rất vui mừng. Tuy nhiên, quy trình và  thủ tục cho vay tái canh cà phê quá rườm rà, phức tạp, mức vốn cho vay thấp, trong khi tái canh lại là cả một quá trình lâu dài. Theo ông Phùng, nếu làm đúng quy trình tái canh, phải mất ít nhất khoảng 6 năm (tính từ khi nhổ bỏ cây), như vậy, nhiều người trồng cà phê sẽ lâm vào khó khăn, vì mất nhiều năm không có nguồn thu. Nếu ân hạn chỉ có 4 năm vẫn chưa đến thời kỳ vườn cây bước vào kinh doanh để trả nợ ngân hàng. Ngoài các lý do trên, người trồng cà phê còn lo lắng nhiều đến rủi ro bất khả kháng như thiên tai dịch bệnh, mất mùa giá cả bấp bênh, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng, điều  này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cho vay tái canh cà phê trên địa bàn huyện. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều hộ nông dân “ngại” tái canh đại trà những vườn cà phê già cỗi mà chỉ chọn tái canh theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm một ít để có thể tự xoay xở vốn đầu tư, không phải đi vay.

Trước những khó khăn trên, tại Hội nghị sơ kết cho vay tái canh cà phê trên địa bàn huyện mới đây, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Như Bút đã khuyến cáo người dân chỉ nên phát triển cây cà phê trên diện tích được quy hoạch; đề nghị các ngành liên quan cần thành lập Ban chỉ đạo để triển khai đồng loạt chính sách cho vay tái canh cà phê trên địa bàn huyện; các phòng chức năng của huyện cần tiến hành các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng các mô hình trình diễn, cánh đồng mẫu tái canh cà phê và tiếp tục hướng dẫn khâu kỹ thuật giúp người trồng cà phê đạt được hiệu quả kinh tế cao… Trong khi đó, Phó giám đốc Agribank Đắk Lắk Hà Hoài Nam cũng nhấn mạnh, việc cho vay tái canh cà phê không khó, thủ tục cho vay không rườm rà, phức tạp; người trồng cà phê chỉ cần 1 giấy đề nghị vay vốn và 1 giấy xác nhận của UBND xã là xong, còn các phương án vay vốn thì cán bộ tín dụng sẽ hướng dẫn và hỗ trợ cho khách hàng. Riêng về mức cho vay thì không thể thay đổi, nhưng có thể tạo điều kiện cho người nông dân vừa vay tái canh cà phê và vừa có thể vay mục đích khác cùng trên một diện tích cà phê của gia đình. Đối với các hộ đang có sổ đỏ thế chấp tại Agribank Buôn Đôn vẫn được triển khai cho vay tái canh nếu đủ điều kiện. Việc cho vay cuốn chiếu vẫn thực hiện nếu người nông dân có nhu cầu, và giải ngân vẫn phải thực hiện theo tiến độ 4 năm 1 lần, chứ không thể mới cày xới đất mà giải ngân hết 150 triệu thì gây khó khăn cho ngân hàng.

Chính sách đã rõ, nguồn vốn cho vay tái canh cà phê đã sẵn sàng, chính quyền địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng và phía ngân hàng cũng đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người trồng cà phê có thêm nhiều hướng đi mới. Hy vọng, Ban Chỉ đạo tái canh cà phê sớm được thành lập giúp người nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện sớm tiếp cận nguồn vốn cũng như nắm bắt quy trình kỹ thuật để tái canh cà phê đạt hiệu quả.

Cũng theo ông Hà Hoài Nam, hiện nguồn vốn dành cho tái canh cà phê của Agribank Đắk Lắk vẫn đang dư thừa và rất cần giải ngân. Vì vậy ông mong các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cũng như sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết cho hộ nông dân có nhu cầu tái canh cà phê để họ sớm tiếp cận với ngân hàng làm thủ tục vay vốn tái canh.

Giang Nam - Thanh Nga

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ