A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người thử thuốc rụng hết răng nhận Nobel Y học

14:51 | 06/10/2015

Mang nhiệm vụ tìm ra thuốc chống sốt rét trong một dự án bí mật liên quan chiến tranh Việt Nam, nhà khoa học nữ Trung Quốc Tu Youyou tự mình dùng các loại thuốc đến mức rụng hết răng.

Ba nhà khoa học giành giải Nobel Y học năm 2015. Ảnh: Guardiana

Ngày 5/10, bà Tu cùng hai nhà khoa học Ireland và Nhật Bản thắng giải Nobel Y học 2015. Bà Tu Youyou (sinh năm 1930) là người Trung Quốc đầu tiên giành giải Nobel Y học.

Bà sẽ nhận được một nửa giải Nobel Y học 2015 trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (960.000 USD). Hai nhà khoa học William Campbell (Ireland) và Satoshi Omura (Nhật Bản) chia nhau nửa giải thưởng còn lại vì có công khám phá ra thuốc avermectin chống lại bệnh mù lòa đường sông và giun chỉ bạch huyết, đồng thời chứng tỏ hiệu quả trước các bệnh ký sinh trùng khác.

Suốt cuộc đời mình, bà Tu làm công việc nghiên cứu trong lặng lẽ. Ngoài các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Y học Trung Quốc, không mấy người Trung Quốc biết đến tên Tu Youyou. Tạp chí khoa học New Scientist dẫn lời bà Tu kể rằng, năm 1969, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông khởi động một dự án quân sự bí mật mang tên “523” nhằm tìm ra thuốc chống bệnh sốt rét cho để hỗ trợ quân đội Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cũng như để đối phó dịch bệnh đang hoành hành ở các tỉnh miền nam Trung Quốc. Bà được chọn làm trưởng dự án. Bà nghiên cứu hơn 640 loại thảo dược được tìm thấy trong 2.000 phương pháp điều trị, và thực hiện 190 nghiên cứu nhưng thất bại.

“Tôi thử tất cả các loại thuốc trên cơ thể mình. Sức khỏe của tôi bị tàn phá. Tôi rụng hết răng và luôn ốm yếu”, bà Tu nhớ lại. Không chỉ thế, vì say sưa nghiên cứu nên bà có rất ít thời gian cho gia đình. Khi được cử đến Hải Nam để theo dõi bệnh sốt rét, bà Tu phải gửi con ở quê. Khi bà trở về, con gái không nhận ra mẹ. “Mẹ, sao mẹ có thể để con lại với ông bà khi con mới 3 tuổi”, Li, con gái của bà Tu, hỏi mẹ. “Mẹ phải tập trung vào nhiệm vụ. Nhìn mẹ đi, mẹ rụng hết răng vì nghiên cứu. Mẹ không có gì để bảo vệ cơ thể khỏi hóa chất. Làm sao mẹ có thể chăm sóc con được?”, bà Tu nói với con.

Tháng 4/1971, xuất phát từ một bài thuốc được viết từ 1.700 năm trước, bà Tu cuối cùng đã tìm ra thuốc artemisinin từ cây ngải tây trong cuộc thử nghiệm thứ 191 của mình. “Người Trung Quốc gọi tôi là “nhà khoa học ba không”: không bằng tiến sĩ, không có kinh nghiệm ở nước ngoài, không có chức danh do Viện Khoa học và Viện Kỹ thuật Trung Quốc trao. Nhưng đôi khi ai đó có thể làm việc tốt hơn khi không có những điều này,” bà Tu nói. Trong khi đó, nhà khoa học Satoshi Omura tìm ra phương thuốc mới sau khi thu thập mẫu đất trên khắp Nhật Bản và cô lập vi trùng Streptomyces.

Trong số này có Streptomyces avermitilis - loại vi trùng trở thành nguồn gốc cho sự ra đời của thuốc avermectin. Công trình của nhà khoa học Nhật Bản này đã được ông William Campbell tiếp nối bằng cách chỉ ra rằng Streptomyces avermitilis có hiệu quả đáng kể trong việc tiêu diệt ký sinh trùng ở động vật  nuôi. Avermectin được cải tiến thành hợp chất ivermectin hiệu quả hơn. Khi thử nghiệm trên người, hợp chất này đã tiêu diệt được ấu trùng của ký sinh trùng.

“Hai phát hiện này mang lại cho nhân loại công cụ mới mạnh mẽ để chống lại các bệnh ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người mỗi  năm”, Ủy ban giải Nobel thuộc Viện Karolinska Thụy Điển hôm qua nói trong thông báo vinh danh người chiến thắng giải thưởng.

TRÚC QUỲNH

Tiền phong

 

 

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ