A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đừng chủ quan với 'căn bệnh bị lãng quên'

09:33 | 16/02/2017

Báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng côn trùng Trung ương cho biết, bệnh ký sinh trùng phân bố rộng rãi, đa dạng ở nước ta.

Bệnh chủ yếu là giun truyền qua đất như giun đũa, giun tóc, giun móc; sán truyền qua thức ăn như sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, sán lá phổi, sán lá ruột lớn, sán lá ruột nhỏ, sán dây, ấu trùng sán lợn…
 
Bệnh giun sán phân bổ trên toàn quốc
Trong đó, một số bệnh giun sán vẫn có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng như giun tròn, giun đũa chó mèo, sán lá gan, ấu trùng sán lợn, sán lá phổi.
Bệnh phân bố trên toàn quốc và có sự phân bố không đồng đều giữa các loài giun sán ở nhiều địa phương trong cả nước do tập quán ăn uống, sinh hoạt không hợp vệ sinh. Tuy vậy, hiện nay các bệnh ký sinh trùng vẫn là một trong những “căn bệnh bị lãng quên” và chưa được quan tâm đầu tư kinh phí nghiên cứu, phòng chống đúng mức.
Theo đó, tỷ lệ nhiễm bệnh giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học tại một số tỉnh còn rất cao, tại Hà Giang là 86%; Đăk Lăk 25,0%, Phú Thọ 24,8%, Quảng Ninh 21,1%, Trà Vinh 20,4%, Ninh Bình 19,0%, Thanh Hóa 18,3%, Bình Thuận 18,7%.
Nguyên nhân của tình trạng này, GS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng (trường ĐH Y Hà Nội) cho rằng, do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém như đi tiêu bừa bãi còn phổ biến, nhất là vùng nông thôn, miền núi; tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; thói quen sử dụng phân tươi để bón ruộng; vệ sinh cá nhân còn kém, ít có thói quen rửa tay hàng ngày; không sử dụng giầy, dép và các dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.
Theo đó, giun sống trong ruột, tiết ra chất độc, chiếm lấy thức ăn, hút chất dinh dưỡng, vitamin, protein, chất sắt… gây choáng váng, mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng. Đối với loại giun đũa có thể gây nên tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột và có thể dẫn đến giun chui ống mật. Giun móc có thể gây thiếu máu, suy tim, mề đay. Còn giun tóc thường gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, thiếu hụt vitamin, thiếu máu. Trẻ bị nhiễm giun nặng thường gầy ốm, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ.
 
Bệnh sán lá gan xuất hiện tại 32 tỉnh thành
Một bệnh khác cũng được các bác sĩ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng côn trùng Trung ương cảnh báo đó là bệnh sán lá gan lớn. Bệnh được phát hiện tại 32 tỉnh trong cả nước, tỷ lệ nhiễm cao tại Nam Định 34,8%, Hòa Bình tới 32,7%, Hà Nội 27,7%, Ninh Bình 25%, Thanh Hóa từ 17,7%.
Bệnh sán lá gan lớn tăng rất cao trong những năm gần đây, số bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn được phát hiện và điều trị hàng năm lên tới hàng ngàn trường hợp.
Đường lây là trứng sán lá gan lớn từ phân người bệnh ra môi trường ngoài, xuống nước, qua ốc phát triển thành ấu trùng đuôi. Vì vậy, người chỉ là vật chủ ký sinh tình cờ do khi ăn thực vật sống dưới nước như: rau ngổ, rau rút hoặc cần hoặc ốc khi đun nấu ấu trùng sán lá gan chưa bị tiêu diệt hoặc ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi mà trong nước có ấu trùng sán lá gan.
Trong môi trường tự nhiên, trứng sán nở thành ấu trùng lông ký sinh trong ốc rồi phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, vào nước và bám vào các loại thực vật sống trong nước để trở thành các nang trùng.
Khi người ăn, uống phải các nang trùng này sẽ bị bệnh. Sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng bị phá hủy và giải phóng ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan, ấu trùng đục thủng bao gan chui vào nhu mô gan để sinh trưởng và phát triển ở đấy, chúng tiết ra các chất độc phá hủy nhu mô gan gây áp-xe gan.
Sau một thời gian từ 2 - 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán trưởng thành có thể chui vào đường mật tiếp tục phát triển và đẻ trứng ở đấy và suốt trong thời gian dài (khoảng 10 năm) nếu không được điều trị sẽ dẫn đến ung thư đường mật.
Ngoài ra có một số rất ít trường hợp ấu trùng di chuyển lạc chỗ, chúng không đến gan mà đến một số cơ quan khác (da, cơ, vào khớp, vào vú, thành dạ dày, đại tràng…) và gây bệnh ở đó. Vì vậy, một số nhà chuyên môn đã gặp những trường hợp u đại tràng chẩn đoán nhầm là ung thư đại tràng.
Các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, bệnh sán lá gan lớn gặp ở mọi lứa tuổi, tuổi mắc nhiều nhất là 30 - 40 tuổi, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam.
Hầu hết triệu chứng lâm sàng của áp-xe gan do sán lá gan lớn gây ra không có gì đặc biệt, tương tự như áp-xe gan với các nguyên nhân khác (do ký sinh trùng, vi khuẩn), thường mệt mỏi, có sốt (có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ), đau nhẹ ở hạ sườn phải, đôi khi đau bụng âm ỉ không rõ vị trí, gan sưng to và đau.
Một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa (chán ăn, phân không thành khuôn, tiêu chảy). Một số trường hợp có dị ứng da biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, khó chịu. Một số người bệnh có ho kéo dài, đau tức ngực.
Các trường hợp vàng da có thể do sán di chuyển vào đường mật và phát triển ở đấy gây viêm đường mật. Đáng lưu ý, bệnh sán lá gan lớn gây áp-xe gan rất dễ chẩn đoán nhầm với ung thư gan, áp-xe gan do amíp hoặc áp-xe gan do vi khuẩn hoặc có thể do sỏi đường mật gây nên.
Do đó, để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không ăn rau, canh, ốc nấu chưa chín. Không uống nước chưa đun sôi. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn.
HẢI PHONG
 
 

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ