A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sĩ số lớp vượt quy định, có thể phạt đến 20 triệu đồng

14:42 | 21/03/2013

Mức phạt này được Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được công bố trong hội thảo ngày 19-3 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT trong cả nước.

Theo quy định tại điều lệ trường tiểu học, trường trung học hiện hành, sĩ số lớp ở cấp tiểu học tối đa là 35 em/lớp và bậc THCS, THPT không quá 45 em/lớp.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa đề cập đến những xử phạt cụ thể này, nên dù đây là hành vi vi phạm đã xảy ra nhưng chưa có quy định để xử phạt.

Theo đó, mức xử phạt dự kiến được đưa ra tùy thuộc vào số học sinh vượt so với quy định chung. Phạt từ 5-10 triệu đồng đối với lớp có số học sinh vượt quá mức quy định từ 15-25%, từ 10-15 triệu đồng đối với lớp vượt 26-40% và từ 15-20 triệu đồng đối với lớp vượt từ 41% trở lên.

Theo ông Bằng, nghị định mới được xây dựng nhằm tăng cường quản lý về giáo dục để cụ thể hóa luật (cụ thể hóa mức phạt tiền, các biện pháp khắc phục hậu quả...).

Trong bản dự thảo này cũng đưa ra mức xử phạt cao nhất đối với tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là 100 triệu đồng/hành vi. Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT mới được ra quyết định xử phạt cao nhất này.

Mức xử phạt tối đa có thể được áp dụng cho những vi phạm như: thành lập trường ĐH, các tổ chức, đơn vị thuộc trường ĐH không đúng quy định; các trường ĐH, học viện không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc đình chỉ hoạt động hoặc giải thể, hoạt động ngoài thời hạn quy định của giấy phép, tự ngừng hoạt động khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép… Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.

Ngoài việc phạt tiền, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn đi kèm những hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả rất chặt chẽ tùy theo tính chất, mức độ như: tước quyền sử dụng quyết định cho phép thành lập, tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc giải thể cơ sở giáo dục hoặc chấm dứt hoạt động giáo dục, buộc hủy bỏ kết quả các môn thi hoặc chấm lại bài thi, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất các sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị giáo dục đã nhập khẩu trái phép…

Dự thảo đặt ra nhiều quy định cụ thể xử phạt trong tuyển sinh

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai man hoặc tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển.

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm tuyển sinh để đào tạo từng trình độ (cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), theo từng hình thức đào tạo vượt quá chỉ tiêu số lượng so với chỉ tiêu đã được thông báo hoặc được giao với các mức phạt cụ thể sau đây:

a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm tuyển vượt từ 5% đến dưới 10% chỉ tiêu số lượng so với chỉ tiêu đã được thông báo hoặc được giao;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tuyển vượt từ 10% đến dưới 15% chỉ tiêu số lượng so với chỉ tiêu đã được thông báo hoặc được giao;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tuyển vượt quá từ 15% đến dưới 20% so với chỉ tiêu số lượng đã được thông báo hoặc được giao;

d) Từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tuyển vượt quá từ 20% đến dưới 25% chỉ tiêu số lượng được giao;

đ) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tuyển vượt quá từ 25% trở lên.

 

 

    Theo Tuổi trẻ

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ