A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Mua” sản phẩm giáo dục tồi sẽ làm hỏng tương lai

08:39 | 03/04/2013

Đại học (ĐH) tư là mô hình phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, những hệ lụy từ khâu quản lý yếu kém của lĩnh vực này khiến nhiều người “hoài nghi” về chất lượng...

Khi giáo dục trở thành hàng hóa?

Hàng loạt trường ĐH dân lập, trường cấp 3... được mở mới, với sự đầu tư về trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên trẻ, được hưởng mức lương ổn định. Việc này làm thay đổi “diện mạo” giáo dục trong những năm gần đây. Bạn Hùng, sinh viên trường ĐH Thăng Long, cho biết: Em thấy cơ sở vật chất tại nhà trường rất tốt. Chúng em học chủ yếu bằng máy chiếu, tài liệu thì nhà trường cung cấp. Mỗi lần đến nghe giảng, chủ yếu bọn em được các thầy cô liên hệ những kiến thức đang học với thực tế, rồi cùng trao đổi. Điều này giúp bọn em nhanh hiểu bài hơn và quan trọng là không bị bỡ ngỡ khi ra cuộc sống để “thực hành”. Quả thật, những đóng góp của một số trường tư cho lĩnh vực giáo dục không thể phủ nhận được, họ áp dụng những phương pháp học mới, những phương pháp học được sinh viên, học sinh đồng thuận hơn. 

Thực tế, không phải trường ĐH, cấp 3,... tư nhân nào cũng làm và đạt được thành công như vậy. Nhiều trường cũng được đầu tư khá mạnh mẽ, thu hút được khá nhiều học sinh, sinh viên. Nhưng một thời gian sau, họ lại bị “ế ẩm” hoặc “sản phẩm” được đào tạo ở đây lại bị “bơ vơ” trên thị trường lao động. 

Có lẽ, nhiều nhà đầu tư trước đây cho rằng giáo dục là nhu cầu tất yếu của con người cho nên nếu đầu tư mạnh vào giáo dục có thể cho họ những “nguồn lợi” khổng lồ. Không chỉ vấn đề cơ sở vật chất, họ còn tung ra mọi “chiêu trò” để thu hút học viên, tạo lợi thế cạnh tranh với nhau. Nhiều ngành học “hot” theo thị trường được mở mới, được đầu tư nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự cao, một số trường không cạnh tranh nổi nên đã phải hủy bỏ một số ngành, lĩnh vực,... kém hiệu quả. Nguyên nhân của “thất bại” trong đầu tư này, có lẽ chính là do chất lượng “sản phẩm hàng hóa”, mà ở đây chính là chất lượng trong việc đào tạo, giáo dục. Nếu một số trường quản lý chặt chẽ cả đầu vào lẫn đầu ra thì có lẽ chất lượng đào tạo mang lại sẽ khá ổn định, đáp ứng các yêu cầu “hà khắc” trong công việc. 

Có thể thấy, chất lượng giáo dục đào tạo chính là “thước đo”, lợi thế cạnh tranh cho những mô hình, dự án phát  triển lĩnh vực giáo dục theo hướng tư nhân hóa. Một số trường ĐH tư tạo được “sản phẩm” có chất lượng cao, cả về chuyên môn lẫn văn hóa. Tuy nhiên, “sản phẩm” này có thể sẽ mất đi giá trị nếu bản thân nó không còn tính tích cực của giáo dục, nó dễ dàng trở thành một thứ “hàng hóa” đơn thuần. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các khách hàng, những sinh viên và gia đình, không còn “mặn mà” với mô hình giáo dục này nữa. Giờ đây, những cơ sở đào tạo hoành tráng, trang thiết bị hiện đại,... dần bị quên lãng, khi mà cái cốt lõi trong giáo dục là chất lượng lại đang bị “lơ là” trong công tác quản lý.

 

Học luôn phải đi đôi với hành.


Những nguyên nhân và giải pháp 

Trước đây, việc nâng cấp và mở mới ồ ạt các trường ĐH, cấp 3,... đã khiến cho nhiều phụ huynh cảm thấy “choáng” và “loạn” với các thông tin tuyển sinh. Chưa khi nào, một thí sinh thi đạt điểm thấp lại nhận được quá nhiều giấy thông báo tuyển sinh đến vậy. Cuộc cạnh tranh học viên giữa các trường có vẻ đang ngày càng trở nên “nóng”, phụ huynh thì không biết đâu sẽ là cơ sở đào tạo “chuẩn mực” để có thể yên tâm “gửi gắm” tương lai con em mình.

 


“Khuyến mại, giảm giá” thường là những hình thức được áp dụng cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, liệu nếu áp dụng trong lĩnh vực giáo dục thì nó có hiệu quả hay không? Theo ông Hồng, một giáo viên với hơn 30 năm cống hiến trong ngành giáo dục, cho biết, đầu tư cho giáo dục là việc làm tốt nhưng mục đích của việc đầu tư là gì lại là một vấn đề cần bàn tới. Nếu như “sản phẩm” giáo dục được xây dựng trên nền tảng chất lượng thì việc “đầu tư” chắc chắn sẽ mang lại “lợi nhuận” phù hợp. Nhưng nếu nó chỉ “bắt chước” bằng những vẻ ngoài “hào nhoáng” thì khó nâng cao hiệu quả. Việc đầu tư khó có thể phát triển một cách bền vững và lâu dài. Trước đây, có khá nhiều người đã thành công với mô hình trường ĐH tư như: ĐH Phương Đông, ĐH Thăng Long,.... Giờ đây, số lượng trường ĐH tư đã tăng lên đến con số hàng chục, hàng trăm lần so với trước đây nhưng chất lượng giáo dục lại không cao. Không những thế, nó còn gây ảnh hưởng rất lớn đến một số trường tư đào tạo chính quy, mang lại chất lượng giáo dục cao cho sinh viên, những cử nhân tương lai góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Chính sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan quản lý giáo dục, cùng với sự “hám lợi” của một số trường tư đã khiến cho người dân có một cái nhìn không đúng về giáo dục nước nhà, đặc biệt là một số trường tư. Là “người điều hành” lĩnh vực giáo dục nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không thể kiểm soát được các trường ĐH tư phát triển ra sao, hoạt động thế nào? Phải chăng, sự tắc trách và thiếu tầm nhìn của “người điều hành” này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “đổ vỡ” của hệ thống giáo dục ĐH tư ở nước ta? “Thiếu thì khuyến khích mở mới, không kiểm soát được thì hạn chế rồi cấm”. Đây có phải là cách để “phát triển” giáo dục?

Tri thức không phải là thứ “hàng hóa” được mua bán, trao đổi bằng tiền, mà nó phải trải qua quá trình “rèn giũa” thực sự. Đây là điểm mấu chốt trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số trường ĐH tư lại coi đó là một “món hàng” có thể trao đi đổi lại, một nguồn thu bất chấp hệ quả.

N.Tuấn – H.Thanh

 

    Theo PL&XH

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ