A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”

10:36 | 02/09/2015

Sự trau dồi không mệt mỏi và trái tim nồng ấm tình thương yêu dành cho học sinh (HS) của các thầy, cô giáo đã viết nên nhiều câu chuyện đầy cảm động.

 Đó là những "đóa hoa" đẹp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
 
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 1986, thầy giáo Nguyễn Ngọc Thái về nhận công tác tại Trường THPT Buôn Ma Thuột, năm 1997 được điều động về THPT Chuyên Nguyễn Du khi trường thành lập. Gần 30 năm gắn bó với bục giảng, thầy Thái luôn trăn trở, tìm tòi để có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi. Thầy Thái cho biết: “Chất lượng  giáo dục mũi nhọn là sự tổng hợp của ba yếu tố: năng lực sư phạm, tâm huyết của giáo viên; năng lực tự học của HS và chiến lược đào tạo đúng đắn của các cấp quản lý. Khi chính sách tuyển thẳng của bộ môn Vật lý không còn sức hấp dẫn với HS, phụ huynh như trước, không ai khác giáo viên phải “truyền lửa” để đánh thức niềm yêu thích, khát vọng chiếm lĩnh kiến thức, mang lại vinh quang cho bản thân, gia đình và cả nhà trường của các em”. Để vun đắp niềm đam mê học tập, ngoài những kiến thức giáo khoa, thầy Thái đã giới thiệu cho HS nhiều tài liệu tham khảo bổ ích như: vật lý và đời sống, ứng dụng vật lý trong kỹ thuật… Chưa hết để giúp HS chuyên phát triển năng lực tự học, thầy Thái tổ chức thành các nhóm học tập, giao bài tập, đề tài cho từng nhóm thực hiện và trình bày trước lớp. Cách làm này đã tạo không khí thi đua, kích thích sự tìm tòi, khám phá của HS, đặc biệt là trau dồi kỹ năng làm việc theo nhóm. Là tổ trưởng chuyên môn tổ Vật lý-Công nghệ, thầy Thái duy trì thường xuyên cuộc thi truyền thống “Thiết kế dụng cụ thí nghiệm, mô hình ứng dụng vật lý” tạo sân chơi bổ ích, sáng tạo, giúp HS yêu thích môn học hơn. Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, tổ Vật lý-Công nghệ và bản thân thầy Thái “gặt hái” được nhiều “quả ngọt”. Trong 5 năm học (giai đoạn 2010-2015), bộ môn Vật lý có 20 HS đoạt giải quốc gia, 14 giải máy tính cầm tay, 31 giải HS giỏi Olympic các tỉnh phía Nam, 76 HS giỏi cấp tỉnh. Riêng HS do thầy Thái bồi dưỡng đoạt 7 giải quốc gia, 5 giải máy tính cầm tay, 10 giải Olympic các tỉnh phía Nam, 28 HS giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt năm học 2013-2014, HS đoạt giải Nhì quốc gia do thầy Thái bồi dưỡng được chọn tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế.
 
Thầy Nguyễn Ngọc Thái hướng dẫn học sinh cách tự học.

Rạng danh giáo viên trường huyện

Gắn bó với Cư M’gar như một duyên nghiệp, cô giáo Đinh Thị Khánh Trường, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Quảng Phú) xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, xa lạ nhưng dần dần cái chất tự nhiên, mộc mạc của HS vùng khó, của HS dân tộc thiểu số đã “níu chân” cô giáo. Gần 20 năm gắn bó với trường, lớp, cô không chỉ “gieo chữ” mà còn là người truyền nhiệt huyết cho những giáo viên trẻ. Không chỉ dạy học trò bằng tấm lòng, cô Trường luôn tiên phong trong các phong trào thi đua của trường, của ngành, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tạo sự hứng thú trong học tập cho HS. Từ năm học 2009-2010 đến nay, cô Trường liên tục đoạt giải Hội thi soạn giáo án điện tử cấp huyện, Hội thi “Soạn bài giảng điện tử E-learning” cấp huyện, giải phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, cấp huyện và đoạt giải cấp tỉnh cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp. Cô Trường chia sẻ: “Đổi mới là điều bắt buộc trong xu thế giáo dục hiện nay, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải làm mới chính mình để từng tiết dạy, bài giảng thêm sinh động hấp dẫn, hướng tới việc chuyển từ dạy học kiểu truyền đạt kiến thức sang dạy học nhằm phát huy năng lực của học sinh. Như môn Địa lý của mình, kiến thức liên quan đến nhiều bộ môn khác, do đó quá trình dạy, tùy từng bài học, sẽ linh động đưa thêm vào một vài câu thơ, đoạn văn, hay một công thức toán học, giúp các em nhớ kiến thức lâu hơn”. Nhờ vận dụng kiến thúc liên môn khiến tiết Địa lý không còn khô khan, nhàm chán, nhiều HS trước đây không thích môn  Địa lý, giờ đã chọn môn học này để khẳng định mình, trung bình mỗi năm học có từ 5-7 em do cô Trường bồi dưỡng đoạt giải HS giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; trong đó có không ít em thi đỗ vào lớp 10 chuyên Địa Trường THPT Chuyên Nguyễn Du.

Gia Nguyên

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ