A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Năm học 2015-2016: Tập trung nâng cao năng lực, phẩm chất cho người học

07:52 | 04/09/2015

Năm học 2015-2016 ngành Giáo dục đào tạo tỉnh Đắk Lắk quyết tâm tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có trao đổi nhanh với ông PHAN HỒNG, Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh nội dung này.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng trả lời phóng viên các cơ quan báo chí về nhiệm vụ trọng tâm năm học mới 2015-2016.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng trả lời phóng viên các cơ quan báo chí về nhiệm vụ trọng tâm năm học mới 2015-2016.

+Qua một năm thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, ít nhiều Ngành đã rút kinh nghiệm, bài học để tiếp tục thực hiện tốt hơn chủ trương này trong năm học mới 2015-2016?

Năm học 2015-2016 là năm học thứ 2 thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Năm nay, ngành tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy hướng tới nâng cao năng lực, phẩm chất cho người học. Để đạt được mục tiêu này, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đóng vai trò quyết định, vì vậy cùng với tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị hè, Sở GD-ĐT đã tăng cường bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên để theo kịp những thay đổi trong chương trình, tiến tới thay đổi sách giáo khoa. Còn đối với học sinh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng hơn tới giáo dục đạo đức song song với giáo dục văn hóa. Điểm mới trong năm học 2015-2016 Sở GD-ĐT quyết định xét tuyển vào lớp 10, chỉ duy nhất Trường THPT Chuyên Nguyễn Du là thi tuyển, nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, nhà trường, tạo sự công bằng trong giáo dục và tiết giảm tốn kém cho xã hội. Rõ ràng đã có sự thay đổi trong mục tiêu giáo dục từ học để thi cử sang học để hiểu, để làm.

  +Cụ thể ngành Giáo dục sẽ làm gì để nâng năng lực, phẩm chất cho người học, thưa ông?

Trước hết, người học phải xác định động cơ học tập, biết được năng lực, ngành nghề yêu thích để lựa chọn các môn học phù hợp với khả năng của mình. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (còn gọi là kỳ thi 2 chung nhằm mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ) đã minh chứng rõ điều này khi Bộ GD-ĐT tổ chức 8 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc (Văn, Toán, tiếng Anh) và một môn do các em tự chọn trong các môn thi còn lại để xét tốt nghiệp. Không còn cách nào hơn, ngay từ năm học lớp 10, mỗi học sinh phải xác định năng lực, môn học mình yêu thích để đạt kết quả cao hơn. Mục tiêu của đổi mới giáo dục là chuyển từ dạy cung cấp kiến thức đơn thuần sang hình thành năng lực, phấm chất cho người học. Vì vậy, giáo viên cũng phải trang bị kiến thức sâu hơn, rộng hơn thì mới đủ sức thực hiện các yêu cầu trên. Điều này đã được ngành triển khai trong hè với nhiều đợt bồi dưỡng do các chuyên gia đầu ngành các bộ môn ở các trường Đại học lớn, uy tín trong cả nước phụ trách, giúp đội ngũ giáo viên cập nhật những kiến thức mới, phương pháp mới để họ có thể  đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục tốt hơn.

Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du háo hức đón năm học mới 2015-2016

Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du háo hức đón năm học mới 2015-2016.

  +Kết quả kỳ THPT quốc gia năm 2015 của tỉnh Đắk Lắk thấp hơn so với các kỳ thi trước, liệu có phải do chưa “theo kịp” với  sự thay đổi của Bộ GD-ĐT?

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 của tỉnh Đắk Lắk là 85,01%. Kết quả này nằm trong phạm vi có thể chấp nhận cũng như đã khẳng định chất lượng giáo dục, nhưng về chủ quan đề thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đặt ra cho đội ngũ giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy “từ truyền thụ kiến thức đơn thuần sang nâng cao năng lực, phẩm chất của người học” - điều này có nghĩa phải gắn kiến thức môn học với thực tiễn đời sống, vận dụng kiến thức đó vào thực tế. Vì vậy năm học 2015-2016 ngành tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới.

 +Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã sẵn sàng tâm thế để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện trong năm học mới này thưa ông? 

Cuối năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT đã có văn bản nhắc nhở các phòng GD-ĐT cũng như các trường trực thuộc rà soát để tăng cường bảo quản cũng như đầu tư xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa trong hè, bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới. Mới đây, Sở GD-ĐT tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học mới 2015-2016, đề nghị phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đón HS vào học với tinh thần phấn khởi, vui tươi. Qua báo cáo nhanh, trước thềm năm học mới, từ nhiều nguồn vốn ngành giáo dục đã đầu tư trên 193 tỷ đồng để xây dựng mới 203 phòng học, sửa chữa 135 phòng học, 62 phòng chức năng, phòng bộ môn, xây mới 78 phòng hiệu bộ, mua sắm nhiều loại trang thiết bị dạy-học. Ngoài ra, với đặc thù của tỉnh có hơn 33% học sinh dân tộc thiểu số, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí trên 29 tỷ đồng để cấp sách giáo khoa, vở viết cho HS dân tộc thiểu số. Đồng thời phối hợp với Cục dự trữ Nhà nước Nam Tây Nguyên sẽ cấp tạm ứng 65.460 kg gạo (2 tháng đầu năm học 2015-2016) vào đầu tháng 9 cho 2.182 HS dân tộc thiếu số. Với sự chuẩn bị cơ bản về sở sở vật chất, trang thiết bị cùng tâm thế vững vàng của giáo viên và học sinh sẽ  tạo thế và lực cho ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2015-2016.

 +Xin cảm ơn ông!
 

Nguyên Hoa (thực hiện)

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ