A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyện gieo chữ nơi bản Mông

10:28 | 19/11/2016

Tại huyện Krông Bông, hầu hết các điểm trường nơi học sinh người Mông theo học đều nằm ở vùng sâu, vùng xa thuộc các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm, điều kiện dạy học, sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Tuy nhiên, trong những năm qua, vượt qua những khó khăn đó, nhiều thầy cô giáo đã bám trường, bám lớp để mang cái chữ đến cho các em học sinh dân tộc Mông nơi đây.

Thầy Đỗ Văn Trung và học sinh Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) trong ngày tổng kết năm học.

 Sau khi ra trường, thầy Đỗ Văn Trung được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui). Khi về trường, thầy tình nguyện vào dạy học tại điểm trường Ea Rớt. Cách điểm chính 20 km, điểm trường Ea Rớt được xem là một trong những địa bàn khó khăn nhất ở Cư Pui với rất nhiều “không”: không điện, không nước sạch, không đường, không sóng điện thoại. Mỗi khi trời mưa, để vào điểm trường, các thầy cô giáo ở đây phải gửi xe ở ngoài và cuốc bộ 10 km; có lần sau một tuần giảng dạy, khi thầy Trung trở ra lấy xe thì xe đã bị kẻ gian trộm mất. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng tình cảm với các em học sinh nơi đây chính là sợi dây giữ chân thầy Trung ở lại. Điểm trường có gần 200 học sinh người Mông. Ngoài giờ dạy trên lớp, những khi rảnh rỗi thầy lại đến tận nhà học sinh có học lực yếu để hướng dẫn các em làm bài tập, gặp gỡ, chia sẻ với phụ huynh, giao lưu bóng chuyền với thanh niên trong thôn... Đến nay, dù đã hết “thời gian nghĩa vụ” giảng dạy ở nơi đặc biệt khó khăn nhưng thầy Trung vẫn tình nguyện ở lại, gắn bó lâu dài với học sinh người Mông nơi đây.

Cuộc sống của đội ngũ nhà giáo ở vùng sâu huyện Krông Bông vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, nhất là những thầy cô đang dạy tại các điểm trường ở các thôn đồng bào Mông. Mỗi người một hoàn cảnh song các thầy cô đều rất tận tâm với công việc trồng người, nỗ lực vượt lên khó khăn để mang con chữ đến với trẻ em bản Mông.

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Tây Nguyên), thầy Nguyễn Khoa Xuân được phân công vào giảng dạy tại Trường Tiểu học Yang Hăn, cách nhà hơn 100 km. Ngôi trường có gần 800 học sinh người Mông với điều kiện vô cùng khó khăn: chỗ ở cho giáo viên tạm bợ, thiếu nước, thiếu điện, thiếu thức ăn. Khó khăn nhất là nhiều học sinh không biết hoặc kém tiếng Việt nên việc truyền đạt kiến thức rất vất vả. Không nề hà, thầy Xuân cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tìm tòi cách giảng bài sao cho các em dễ hiểu, dễ tiếp thu. Ngoài thời gian giảng dạy, thầy thường đến thăm gia đình học sinh để nắm rõ hoàn cảnh của các em, học tiếng Mông để giao tiếp với các em mỗi ngày. Hoàn cảnh gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, hằng tuần phải đi về quãng đường hàng trăm cây số nhưng thầy không nản chí. Thầy Xuân tâm sự: “Cứ chiều thứ sáu khi dạy xong, chạy xe về đến nhà ở TP. Buôn Ma Thuột cũng hơn 8 giờ tối. Có hôm trời mưa đi xe máy bị ngã phải nằm bệnh viện. Nhiều người khuyên mình xin chuyển về gần nhà cho đỡ vất vả nhưng mình vẫn quyết tâm gắn bó với học sinh nơi đây cho đến khi nghỉ chế độ”.

Lớp học của thầy Đỗ Văn Trung tại điểm trường Ea Rớt.

Thầy Vũ Xuân Trầm, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong) cũng từng đối mặt với hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi được điều động vào dạy học tại điểm trường Noh Prông từ năm 1997. Nhưng vất vả đến mấy, thầy vẫn kiên trì gắn bó với học sinh tại điểm trường suốt 5 năm liên tục mà không xin ra nơi thuận lợi hơn. Đã 20 năm trôi qua, giờ đây điểm trường Noh Prông cũng chưa hết khó khăn, thầy Trầm vẫn luân phiên vào bám bản, đem con chữ đến với các em học sinh nơi đây...   

Tùng Lâm

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ