A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới: 2 năm, liệu có kịp?

14:24 | 19/01/2017

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa đã phải triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Nhưng hiện tại mới hoàn thành dự thảo chương trình tổng thể; chưa xây dựng các chương trình môn học, chưa có quy chế đăng ký biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa… Áp lực về mặt thời gian, về nội dung chương trình đang đặt ra cho những thành viên tham gia xây dựng chương trình.
 

Ảnh minh họa.

Thận trọng trong xây dựng 

Với cương vị là Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, GS TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, mặc dù dự thảo chương trình GDPT tổng thể được Bộ GD&ĐT giới thiệu từ tháng 8/2015 nhưng việc hoàn thiện dự thảo này chưa thể làm ngay vì phụ thuộc vào 2 điều kiện.

Một là, phải xác định được cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì mới có cơ sở để hoàn thiện dự thảo chương trình. Vừa rồi, ngày 4/11/2016, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân này mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là, việc xây dựng chương trình GDPT sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Ngày 8/8/2016 Hiệp định Hỗ trợ Dự án Đổi mới GDPT giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới mới chính thức có hiệu lực.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các trường ĐH sư phạm, các trường ĐH có khoa sư phạm và các sở GD&ĐT đề nghị giới thiệu ứng viên tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông và Hội đồng quốc gia Thẩm định chương trình GDPT.

Trên cơ sở danh sách ứng viên gửi về, Ban quản lý Dự án và các cơ quan của Bộ đã và đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện tuyển chọn chuyên gia theo quy định về xét thầu quốc tế. Quá trình tuyển chọn diễn ra kỹ càng nên khá chậm chạp.

“Dự kiến cuối tháng 1/2017 mới chọn xong Chủ biên các chương trình môn học. Cuối tháng 2/2017 mới chọn xong những thành viên còn lại của các ban xây dựng chương trình môn học. Đến tháng 9/2017 sẽ hoàn thành các chương trình môn học” - GS Thuyết nhấn mạnh. 

Chia sẻ thêm, ông cho biết đây mới là dự kiến. Trong khi đổi mới GDPT nói chung và xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa GDPT nói riêng là việc rất hệ trọng, cần phải được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đạt chất lượng tốt nhất. Vì vậy, hoàn thành công việc đúng tiến độ là tốt, nhưng nếu cần thêm thời gian để làm cho chắc thì cũng phải chấp nhận.

Người trong cuộc lo lắng

Là một trong những người tham gia xây dựng chương trình GDPT mới, bà Phạm Đông (Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương) cho biết, so với các môn học khác trong chương trình phổ thông, môn Mỹ thuật là 1 môn học khá non trẻ. Cho đến chương trình hiện hành môn Mỹ thuật mới được coi là môn học chính thức bắt buộc trong chương trình GDPT. 

Chia sẻ quan điểm này, GS Nguyễn Thị Vinh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng việc xây dựng chương trình từng môn học cụ thể có lẽ sẽ khó khăn hơn việc xây dựng chương trình tổng thể vốn đưa ra mục tiêu xây dựng phẩm chất năng lực với câu chuyện mang tính khái quát. Làm sao để từng môn học thể hiện được tất cả mục tiêu về phẩm chất năng lực mà chương trình tổng thể đặt ra. 

“Các môn khoa học tự nhiên (KHTN) có điều kiện thuận lợi để tiếp cận những kinh nghiệm giảng dạy KHTN hay công nghệ thông tin của thế giới. Chúng tôi dạy môn khoa học xã hội, cụ thể là môn Lịch sử thì cảm thấy rất khó khăn” – GS Vinh bày tỏ. 

“Cách tiếp cận mới và khó, đòi hỏi chúng ta phải mô tả được phẩm chất và năng lực ở các cấp bậc. 

Hiện nay trong chương trình hiện hành có thể thấy việc yêu cầu phẩm chất và năng lực của người học có xuất hiện ở đâu đó. Nhưng do cách tiếp cận theo định hướng nội dung và phương pháp giảng dạy, đánh giá của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu nên học sinh tốt nghiệp chưa đạt được mong đợi. 

Vì vậy, vấn đề tiếp theo là cần thay đổi quan điểm của giáo viên cũng như các cấp quản lý giáo dục, để làm sao khi có chương trình GDPT mới thì triển khai có hiệu quả.

    Thu Hương

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ