A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tăng cường dạy tiếng Ê đê, M’nông cho học sinh Đắk Lắk

13:53 | 15/09/2017

MTTQ tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị các Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, và các bộ, ngành liên quan: ...

... Mở mã ngành đào tạo tiếng Ê đê cho các trường học có nhiệm vụ đào tạo giáo viên trong tỉnh và tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Ê đê cấp tiểu học; ban hành bộ SGK tiếng M’nông…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu ý kiến tại buổi khảo sát.

Sáng 15/9, Đoàn khảo sát Hội đồng tư vấn về vấn đề dân tộc (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) do bà Hà Thị Khiết, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát chính sách dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tham dự buổi khảo sát.

Phát biểu khai mạc tại buổi khảo sát, bà Hà Thị Khiết nhấn mạnh, Đắk Lắk là địa bàn có đông đồng bào các dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách dân tộc nói riêng đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên nhìn chung đời sống kinh tế vùng đồng bào DTTS còn chậm phát triển, còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Vì vậy, việc khảo sát kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ về “Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên” ở địa phương; và Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” sẽ giúp cho đoàn khảo sát Hội đồng tư vấn về vấn đề dân tộc có những thông tin, tài liệu tham khảo để có những ý kiến đề nghị từng bước điều chỉnh các chính sách dân tộc cho phù hợp, sát với đời sống thực tế của đồng bào các dân tộc.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của UBTƯ MTTQ Việt Nam Hà Thị Khiết phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, với tỷ lệ học sinh DTTS chiếm hơn 34% trong toàn ngành giáo dục. Trong đó học sinh dân tộc Ê đê là học sinh dân tộc chiếm tỷ lệ cao nhất trong số học sinh DTTS tại chỗ của tỉnh.

Căn cứ vào nguyện vọng của đồng bào Ê đê muốn con em được học tiếng mẹ đẻ bảo tồn tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai dạy học môn tiếng Ê đê trong nhà trường phổ thông bắt đầu từ năm học 1980-1981.

Năm học 2016-2017, toàn ngành giáo dục Đắk Lắk có 1.012 trường, 17.770 lớp với 454.653 học sinh từ mầm non đến THPT, trong đó học sinh DTTS có 156.883 học sinh (chiếm tỷ lệ 34,8%), so với năm học 2015-2016 tăng 14 trường, 475 lớp, tăng 59 học sinh.

Việc giảng dạy tiếng Ê đê trong trường tiểu học tại Đắk Lắk được thực hiện trong 3 năm học, mỗi năm có 140 tiết học thực hiện trong 35 tuần học, mỗi tuần 4 tiết học. Tuy nhiên, đến nay việc giảng dạy cho học sinh từ khối 6 trở lên, ngành giáo dục địa phương tự ban hành chương trình, vì Bộ GD&ĐT chưa ban hành sách giáo khoa dạy tiếng Ê đê.

Dân tộc M’nông là DTTS có số lượng đông thứ 2 trong các DTTS tại chỗ trong tỉnh Đắk Lắk. Theo nguyện vọng của đồng bào dân tộc M’nông, UBND tỉnh đã có chủ trương tổ chức dạy tiếng M’nông vào dạy trong các trường tiểu học có đông học sinh dân tộc M’nông. Nhưng hiện nay sách giáo khoa tiếng M’nông của Bộ GD&ĐT vẫn chưa phát hành nên vẫn chưa triển khai được.  

Theo số liệu thống kê qua các năm của Sở Y tế đến nay tỷ lệ tảo hôn qua năm 2016 là 716 gia đình, trong 6 tháng đầu năm 2017 là 191 gia đình. Tỷ lệ kết hôn cận huyết thống năm 2016 là 6 cặp vợ chồng, 6 tháng đầu năm 2017 là 2 cặp vợ chồng.

Nguyên nhân của việc kết hôn cận huyết thống là do những tập tục lâu đời của một số đồng bào DTTS, một bộ phận không nhỏ các cặp vợ chồng kết hôn với nhau nhưng lại có quan hệ trong dòng tộc như con chú, con bác, côn cô, con cậu… do thừa kế tư duy về sự gần gũi trong dòng tộc và tài sản của bố mẹ để lại cho con cháu không bị chia sẻ cho dòng họ khác. Do trình độ dân trí thấp, lao động chủ yếu là thủ công, năng suất lao động thấp, lấy vợ lấy chồng sớm để có thêm nhân lực lao động cũng là nguyên nhân của tình trạng tảo hôn…

Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, trong đó chú trọng vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ trong việc triển khai thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động đến đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh về tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, MTTQ tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về các chính sách dân tộc cho 557 người có uy tín trong đồng bào DTTS của 9/15 huyện, thị xã, thành phố.

Tại buổi làm việc, MTTQ tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị các Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, và các bộ, ngành liên quan: Mở mã ngành đào tạo tiếng Ê đê cho các trường học có nhiệm vụ đào tạo giáo viên trong tỉnh và tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Ê đê cấp tiểu học; ban hành bộ SGK tiếng M’nông; điều chỉnh chương trình tiếng Ê đê cấp tiểu học từ 4 tiết/tuần xuống còn 2 tiết/tuần để phù hợp điều kiện tình hình thực tế; hỗ trợ cho cán bộ phụ trách công tác giáo dục dân tộc cấp sở và cấp phòng (mức hỗ trợ 0,3 mức lương tối thiểu chung).

Đối với Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2015-2015, MTTQ tỉnh mong muốn Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể và người uy tín phát huy hơn nưa vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu và phòng chống tảo hôn.

Xây dựng các mô hình giảm thiểu tảo hôn và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động đảm bảo phù hợp từng nhóm đối tượng. Trong đó chú trọng đến nhóm đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên, phụ nữ người đồng bào DTTS ở những địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao. Kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật…

Nguyễn Tuấn Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ