A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lương thấp không hút được người tài và nam giới vào sư phạm

14:25 | 06/12/2017

Nhiều ý kiến đến từ Sở GD-ĐT Hà Nội, Lào Cai... đều chỉ ra thực tế lương giáo viên thấp nên khó thu hút nhân tài và nam giới. Lương giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong một hoạt động ngoại khóa

Sáng 5-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý cho dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Phần lớn đại biểu đồng tình với nội dung sửa đổi 29/120 điều của Luật Giáo dục, đặc biệt quy định về nâng lương giáo viên, miễn học phí THCS…
Nhiều ý kiến đến từ Sở GD-ĐT Hà Nội, Lào Cai... đều chỉ ra thực tế lương giáo viên thấp nên khó thu hút nhân tài và nam giới. Lương giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nam giới là trụ cột kinh tế nuôi sống cả gia đình, vì vậy không thu hút được nam giới vào ngành giáo dục. Đơn cử như tỷ lệ giáo viên nam bậc THPT của Hà Nội chỉ chiếm 15%.
Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai Trần Quang Vượng cho biết, số giáo viên xin ra khỏi ngành giáo dục của Lào Cai tăng đột biến. Năm 2017, có 26 thầy cô ở cấp THPT xin thôi việc, gấp 4 lần số lượng năm 2015. Trong đó, có cả giáo viên ở thành phố, người trẻ và người thâm niên công tác 10 năm.
Ông Vượng cho biết nhiều giáo viên sau khi chuyển sang ngành dịch vụ có thu nhập cao gấp 4 - 5 lần. Vì vậy, đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong Luật Giáo dục sửa đổi nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Tuy nhiên, một số đại biểu góp ý cần thêm cán bộ quản lý giáo dục vào danh sách tăng lương. Bởi nhiều cán bộ đi lên từ giảng dạy, nếu không quy định rõ thì khi chuyển sang làm quản lý họ sẽ bị mất thâm niên và giảm thu nhập.
Về nội dung miễn học phí cho học sinh THCS công lập, đa số ý kiến tán thành vì phổ cập giáo dục THCS đã được luật định, cần có giải pháp thực hiện. Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT cũng nêu “thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”, giáo dục bắt buộc thì Nhà nước phải cung cấp học phí. Đáng chú ý, một số ý kiến cho rằng, cần xem xét thêm việc hỗ trợ học phí cho học sinh trường dân lập. Bởi quy định là phổ cập giáo dục bậc tiểu học, tiến tới là THCS cho tất cả trẻ em, nhưng hiện nay trẻ học dân lập lại không được hưởng thụ chính sách đó, như vậy là chưa công bằng. Nên chăng luật cần quy định tất cả học sinh ở bậc tiểu học và THCS đều được cấp học phí, trong đó nêu rõ mức cấp cho trường công lập, dân lập. Điều này sẽ tạo ra sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong xã hội.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, giáo dục mầm non 5 tuổi đã được phổ cập nên Nhà nước cũng cần miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi. Cùng với đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam... đều đề xuất tăng tuổi nhận trẻ từ 3 tháng lên 6 tháng tuổi để phù hợp thực tế. Quy định nhà trường phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, nhưng thực tế không phụ huynh nào gửi trẻ từ độ tuổi này và nhà trường cũng không thể nhận trẻ dưới 1 tuổi do chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đó là chưa kể, Luật Bảo hiểm xã hội cũng đã thay đổi thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 4 tháng lên 6 tháng.
Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi. Đa phần ý kiến đánh giá cao tinh thần đổi mới, giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường. 

LÂM NGUYÊN

 

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ