A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cơ chế tự chủ đại học: Hội đồng trường hoạt động mờ nhạt

09:57 | 12/12/2017

Theo khảo sát về tự chủ đại học (khảo sát Hội đồng trường ở những trường đại học (ĐH) đang thực hiện tự chủ) của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế quốc dân mới đây, ...

... hiện nay, 8/12 trường đã tự chủ trên 2 năm có Hội đồng trường (HĐT), chiếm tỷ lệ 66,7%; còn lại 4/12 trường được trao tự chủ nhưng chưa thành lập được HĐT. Thực tế cũng đã cho thấy, nhiều trường ĐH công lập ở Việt Nam không thiết tha với mô hình  HĐT, hoặc nếu có cũng chỉ để đối phó. 

Sinh viên tham gia hội đồng trường khó thực thi.

Khó trở thành hiện thực 

Để thực hiện tự chủ ĐH, HĐT là một công cụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của một tổ chức dân chủ. Theo đó, quyết định chiến lược của một trường ĐH được đưa ra bởi HĐT - những người đại diện cho chủ sở hữu. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình nâng cao quyền tự chủ, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ghi nhận từ những trường đã triển khai mô hình HĐT cho thấy, vẫn còn không ít trường chưa nhận thức đúng và đủ vai trò, chức năng của HĐT. Bên cạnh đó thiếu hướng dẫn cũng như thiếu các quy định liên quan tới HĐT cũng là một nguyên nhân dẫn đến vai trò mờ nhạt của HĐT. Một số trường thì chủ tịch HĐT là trưởng một đơn vị trong trường, là cấp dưới của Hiệu trưởng nên khả năng điều hành cuộc họp với thành viên là Ban Giám hiệu thường hạn chế. Vai trò của chủ tịch HĐT do đó thường bị lu mờ hoặc bị lấn át. Ngoài ra, việc HĐT không có bộ máy giúp việc độc lập, không sử dụng tư vấn ngoài do đó thông tin để HĐT ra quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thông tin do BGH cung cấp. Điều này cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của HĐT.

Nhóm nghiên cứu cho biết, vai trò giám sát của HĐT rất mờ nhạt. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do phần lớn thành viên HĐT là trưởng đơn vị cấp dưới trực tiếp của Hiệu trưởng nên bị xung đột lợi ích khi thực hiện vai trò giám sát.

Theo nhóm nghiên cứu, hoạt động của HĐT còn mang tính hình thức vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Từ đó đi tới kết luận, vì các lý do trên, cho đến nay, nhiều trường ĐH công lập ở Việt Nam không thiết tha với mô hình HĐT, nếu có cũng rất hình thức, đối phó.

Nhìn ở một góc rộng hơn, theo thống kê của Bộ GD&ĐT tính đến tháng 3/2017, hiện nay trong khối ĐH công lập thì mới chỉ có 18 trường có HĐT. Vậy lý do nào cản trở việc thành lập HĐT, theo TS  Lê Trường Tùng- chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT đã phân tích: HĐT được xem là tổ chức quản trị nhà trường, và đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục ĐH 2012, Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014. Với các trường ĐH, cơ cấu và nhiệm vụ của HĐT được Thủ tướng quy định trong Điều lệ trường đại học từ năm 2003 (153/2003/QĐ-TTg), nhắc lại năm 2010 (58/2010/QĐ-TTg), và ban hành mới nhất năm 2014 (70/2014/QĐ-TTg).

Từ 2003 đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa được 10% số trường có HĐT, dù Luật đã ban hành, các Nghị định, Quy định của Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là Hiệu trưởng nhà trường không muốn có thêm một tổ chức ngay bên cạnh đứng trên đầu mình. Còn cơ quan chủ quản cũng không muốn, vì khi có HĐT thì quyền lực của cơ quan chủ quản với hiệu trưởng, trong đó quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm bị giảm vì phải qua HĐT...

Hơn thế, trong Quy chế bổ nhiệm Hiệu trưởng trường ĐH (5099/QĐ-BGDĐT, tháng 11/2012) của Bộ GD&ĐT ban hành- sau khi đã có Luật Giáo dục ĐH cũng không hề nhắc đến vai trò của HĐT.

Thiếu vai trò giám sát 

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH trước khi trình Chính phủ. Tại nhiều hội thảo góp ý, đại diện  các trường ĐH dồn sự quan tâm đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thành viên của HĐT, bởi việc này cũng liên quan đến việc bầu hiệu trưởng, quyết định chiến lược và kế hoạch phát triển của các trường.

Theo đó, tại Điều 16 của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD&ĐT soạn thảo, HĐT sẽ được thành lập ở tất cả các trường ĐH. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường bao quát gần như tất cả các hoạt động của trường như: quyết nghị về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng hoạt động đào tạo, quyết nghị về cơ cấu tổ chức, chủ trương thu, chi tài chính…

Dự thảo cũng quy định rõ số lượng thành viên HĐT, các tiêu chuẩn của Chủ tịch HĐT, nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc… Theo Bộ GD&ĐT việc sửa đổi, bổ sung Điều 16 về HĐT nhằm tạo hành lang pháp lý để Hội đồng trường có thực quyền hơn đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH, chứ không phải chỉ mang tính hình thức như hiện nay. Các quy định này cũng phù hợp với tự chủ đại học trong bối cảnh thực tiễn hiện nay cũng như những năm tới.

Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ tăng vai trò của HĐT và thẳng thắn cho rằng, nếu HĐT muốn mạnh lên, có thực quyền hơn thì vai trò của Bộ chủ quản phải giảm đi. Tuy vậy, việc quy định cho HĐT quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong đó có cả việc thu, chi tài chính, mua sắm tài sản thiết bị hàng năm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất... là không phù hợp.

Cùng với đó, góp ý cho Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra: Có nên đưa sinh viên vào HĐT hay không? Theo Bộ GD&ĐT, quy định này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên - đối tượng vừa là “khách hàng”, vừa là “sản phẩm” của trường ĐH, có thể phản biện hoặc góp ý vào các chiến lược phát triển của nhà trường.

Vấn đề này cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số quan điểm cho rằng, sinh viên tham gia HĐT là tín hiệu tích cực, nhưng cũng có những chuyên gia và sinh viên lo ngược lại. Có ý kiến còn cho rằng, việc bổ sung đại diện sinh viên tham gia HĐT ĐH dường như chỉ mang tính chất hình thức và không có vai trò gì nhiều. Đó là chưa kể, Dự thảo đưa ra quy định nhiệm kỳ của HĐT là 5 năm, trong khi thời gian học ĐH của sinh viên chỉ thường là 4 năm và tới đây còn có thể rút gọn xuống 3 năm. Như vậy, theo quy định này, sinh viên sẽ tham gia HĐT theo nhiệm kỳ nào?

Theo phân tích từ các chuyên gia, mặc dù Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện các quy định, khẳng định sự nhất quán của Nhà nước về chủ trương đổi mới quản trị ĐH. Tuy nhiên, vì thiếu sự hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát về mặt thực thi chính sách, thiếu chế tài nên mô hình HĐT khó có thể trở thành hiện thực.

Bảo Thoa

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ