A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hai mươi năm gắn bó với học sinh nghèo

14:25 | 21/11/2014

Từ nhiều năm nay các buôn Krai A, Kla và Ea Ó luôn được xem là những buôn nghèo ở xã Krông Buk (huyện Krông Pak).

Hầu hết dân cư ở đây đều là người dân tộc Êđê, trình độ dân trí hạn chế nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Để đưa cái chữ đến với trẻ em nghèo nơi đây, năm 1994 tỉnh đã quyết định thành lập Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt ngay tại buôn Krai A. Đã hai mươi năm hình thành, dẫu đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng những thầy cô giáo ở đây vẫn miệt mài gắn bó với trường, với những trẻ em nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi này.

Thầy Nguyễn Công Diệu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt kể: “Về nhận công tác tại đây từ những ngày đầu thành lập, ngôi trường này đã để lại cho tôi rất  nhiều kỷ niệm. Nhớ ngày đầu mới thành lập, cơ sở vật chất của trường còn khó khăn, nghèo nàn lắm! Bà con trong các buôn do trình độ dân trí thấp, chưa coi trọng việc học hành của con em nên khó khăn cho các thầy cô khi đi vận động trẻ em ra lớp. Đặc biệt, đường sá lầy lội, đi lại rất cực, nhớ nhất là những lần dắt xe, mang ủng lội bùn vào trường cùng các thầy cô. Tôi khâm phục nghị lực của đội ngũ giáo viên, cho dù lương và phụ cấp chẳng được bao nhiêu, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng bám lớp, bám trường vì tình yêu nghề và tình thương với những học sinh nghèo”…

Người dân ở buôn Krai A, buôn Kla và buôn Ea Ó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi cái đói cái nghèo còn đeo đẳng, cái bụng còn chưa no thì chuyện lo cái chữ cho con em dường như chưa được quan tâm. Việc dạy học cho trẻ em người dân tộc Êđê không đơn giản khi nhận thức của các em còn nhiều hạn chế. Sự bất đồng về ngôn ngữ cũng là rào cản lớn đối với những giáo viên trẻ mới đến nhận công tác. Thế nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, các thầy cô ở trường đã luôn tận tình, cố gắng hết khả năng của mình để dìu dắt học trò. Việc làm đầu tiên mỗi khi bước vào năm học mới là thầy cô tới từng nhà vận động các em đến trường. Có học sinh rồi, nhà trường lại mở các lớp học tiếng phổ thông “cấp tốc” cho các em trong ba tuần đầu tiên trước khi bước vào năm học mới, để cả thầy và trò có thể hiểu được ngôn ngữ của nhau. Cô Nguyễn Thị Cúc, người có thâm niên công tác tại trường hơn 20 năm chia sẻ: “Nếu ở các trường ở trung tâm huyện chỉ trong một tiết học có thể truyền đạt hết nội dung chương trình, thì ở trường chúng tôi có khi mất cả buổi để có thể giúp các em tiếp thu được hết bài học của một tiết học. Để hiểu được ngôn ngữ của các em, chúng tôi phải thường xuyên gặp gỡ với người dân trong buôn, học từng từ đơn giản đến phức tạp để giao tiếp với học sinh. Có thầy cô bây giờ nói tiếng Êđê rất thành thạo”.

Giờ tập làm văn của lớp học 2C Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt.

Giờ tập làm văn của lớp học 2C Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt.

Vì trường nằm trong buôn, nhiều khu dân cư chưa có đường đi nên vào mùa mưa một số nơi gần như bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Thầy Nguyễn Công Diệu cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập trường cho đến nay, con đường từ Quốc lộ 26 vào trường chỉ có 800 m nhưng vẫn là đường đất. Ngày nắng đi lại còn được, nhưng chỉ cần một trận mưa thì đường trơn trượt lắm, muốn đi các giáo viên nam phải “mặc áo xích” vào bánh xe. Còn với giáo viên nữ thì phải thường xuyên gửi xe ở nhà dân, rồi tay xách giày dép, cầm giáo án đi bộ vào trường. Mỗi ngày mưa, giờ vào lớp của trường thường chậm hơn vài chục phút bởi phải chờ đợi cả thầy và trò vượt những con đường lầy lội để đến lớp. “Có hôm vào đến trường, nhìn cả thầy và trò quần áo bê bết bùn đất, chân tay bầm dập vì té xe va phải đá mà mình thấy xót xa quá. Trường đã làm đơn xin kinh phí để tu sửa lại con đường cho đàng hoàng, nhưng khả năng của Phòng Giáo dục huyện không cho phép, còn địa phương thì chưa duyệt kinh phí” - thầy Nguyễn Công Diệu tâm sự.

Khó khăn là vậy nhưng khi nhìn thấy ánh mắt khát khao con chữ, ham học của các em, các thầy cô lại quên đi tất cả, động viên nhau cùng với các em nỗ lực vượt khó để đến trường. Trưởng thành theo năm tháng, giờ đây, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đã có nhiều đổi thay. Hiện tại trường có 35 cán bộ, giáo viên, với 361 học sinh đang theo học tại 15 lớp. Khuôn viên trường đã khang trang hơn, phòng học cơ bản đáp ứng được việc dạy, học của thầy và trò. Vừa qua trường được đầu tư xây dựng thêm phòng máy vi tính, trang bị 24 máy chất lượng cao nhằm đáp ứng cho việc tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh. Các em đã có ý thức hơn với việc học, tình trạng học sinh bỏ học giảm đáng kể. Em H’Mai Mlô học sinh lớp 4A vui vẻ nói: “Nhờ sự dạy dỗ của các thầy cô giáo, bây giờ em đã nói tiếng Kinh thành thạo, học bài cũng nhanh hiểu hơn. Các thầy cô cũng nhờ em “bày” cho tiếng Êđê, giờ nói được ngôn ngữ của buôn làng em rồi. Em ước mơ là sau này được học lên cao đẳng, đại học, quay về giảng dạy cho các em người Êđê ở đây”. Còn trưởng buôn Kla, H’Riăp Byă thì xúc động: “Các thầy cô của Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đã làm rất nhiều cho buôn làng chúng tôi. Cái chữ, cái tình mà thầy cô mang đến đây thật vô giá”.

Mặc dù đang còn nhiều khó khăn, chất lượng dạy và học vẫn chưa thật sự đạt yêu cầu, nhưng bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, thầy cô giáo Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đang nỗ lực vượt qua khó khăn, ngày đêm bám buôn làng “gieo” cái chữ cho các em học sinh. Hy vọng rằng một ngày không xa, “cái chữ” sẽ thay đổi diện mạo vùng đất này, để đưa những buôn làng nghèo khó nơi đây ngày càng phát triển.

Thúy An

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ