A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hiến máu cứu người - Nghĩa cử từ trái tim

14:05 | 28/08/2013

Kỳ cuối: Cần nhiều hơn nữa những trái tim hồng…

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng chục đợt hiến máu nhân đạo được tổ chức, thu hút hàng nghìn người tham gia. Với lượng máu hiến hiện nay đã tăng gần 20 lần so với thời điểm cách đây 10 năm, nguồn máu hiến cung cấp phần lớn nhu cầu của các cơ sở y tế trong công tác điều trị bệnh. Cũng chính vì vậy, để kho máu của bệnh viện luôn sẵn sàng mọi loại máu để cấp cứu cho người bệnh, cần cả cộng đồng cùng tham gia hiến máu…

Sức lan tỏa từ một phong trào

Anh Nguyễn Đức Phú, cán bộ thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh là một trong những người đã gắn bó với phong trào hiến máu nhân đạo ngay từ khi mới hình thành (năm 2003). Anh nhớ lại: “Những năm đầu tiên, do nhiều người chưa nhận thức đúng về việc hiến máu, cứ nói đến cho máu là ngại, là sợ mất máu nên việc vận động còn gặp khó khăn, mỗi năm chỉ tổ chức được khoảng vài đợt hiến máu với số lượng máu thu được chỉ ở mức vài trăm đơn vị máu. Nhưng, có lẽ là phong trào xuất phát từ trái tim nên có sức lan tỏa sâu rộng và nhanh chóng, các đợt hiến máu và lượng máu thu được năm sau tăng hơn năm trước”. Quả thật, theo thống kê của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, kết quả vận động và tiếp nhận máu hằng năm trong giai đoạn từ 2003-2012 trên địa bàn tỉnh tăng lên rõ rệt, từ 694 đơn vị máu thu được năm 2003 đã tăng lên 11.742 đơn vị máu năm 2012, tăng gần 20 lần và đạt 118% so kế hoạch của cả giai đoạn 10 năm. Tỷ lệ máu từ nguồn hiến máu tình nguyện tăng nhanh, năm 2003 tỷ lệ này mới chỉ đạt 27,8% (còn lại là máu từ nguồn bán máu chuyên nghiệp) thì đến năm 2012, tỷ lệ máu hiến tình nguyện đã đạt 94,7% (còn lại là nguồn máu hiến từ người thân bệnh nhân, không còn người bán máu chuyên nghiệp). Số lượng người hiến máu tình nguyện ngày càng tăng, năm 2003, tỷ lệ người hiến máu mới đạt 0,04% dân số thì đến năm 2012 đã là 0,66%, trong đó tỷ lệ người hiến máu nhắc lại từ 2 lần trở lên là 31%. Trong 10 năm (2003-2012), Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã vận động được 64.150 lượt người tham gia hiến máu và tiếp nhận được 46.999 đơn vị máu, tương đương với 11.749,75 lít; trong đó có 44 người tham gia hiến máu trên 10 lần, 15 người tham gia hiến máu 9 lần và đặc biệt có 3 gia đình mà các thành viên trong gia đình đều tham gia hiến máu và hiến trên 10 lần. Chỉ tính riêng năm 2013, đến đầu tháng 8, toàn tỉnh đã tổ chức được 48 đợt hiến máu, thu được gần 9.000 đơn vị máu.

Hiến máu cứu người cần tiếp tục có sự tham gia của cả cộng đồng.

Điều đáng mừng nhất là nhận thức của người dân về việc hiến máu đã thay đổi rõ rệt. Anh Phú cho biết: “Có những cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung hiến máu vào kế hoạch định kỳ hằng năm và chủ động liên hệ với Văn phòng Ban chỉ đạo để tổ chức cho cán bộ, nhân viên hiến máu như Prudential, Coopmart, Ngân hàng Đông Á… Tôi cũng vừa nhận được điện thoại từ Đoàn Địa chất 704 đề nghị tổ chức hiến máu cho cán bộ, nhân viên của đoàn. Không chỉ tổ chức cho người trong đơn vị, Ngân hàng Đông Á còn khuyến khích cán bộ, nhân viên vận động người thân, bạn bè cùng đến tham gia hiến máu. Và thậm chí, có nhiều người đi ngang qua Văn phòng Ban Chỉ đạo cũng ghé vào đề nghị xin được hiến tặng máu. Nhờ vậy, lượng máu hiến năm nào cũng vượt chỉ tiêu; vào dịp tết và hè hằng năm, Dak Lak còn chi viện cả máu cho Hà Nội”. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành đoàn thể thành lập được 8 Câu lạc bộ hiến máu và hiến máu dự bị (còn gọi là ngân hàng máu sống), tạo thành lực lượng sẵn sàng hiến máu bất kỳ lúc nào khi có bệnh nhân cần máu mà bệnh viện không đủ máu dự trữ hoặc những ca bệnh cấp cứu cần truyền máu tươi. Gần 2.600 thành viên của các Câu lạc bộ này đã tham gia góp phần cứu sống rất nhiều trường hợp hiểm nghèo.

Cùng với những chuyển biến tích cực trong công tác hiến máu, việc sản xuất chế phẩm máu, bảo quản máu cũng được chú trọng nhằm làm tăng hiệu quả của việc truyền máu. Tất cả các đơn vị máu sau khi tiếp nhận về đều được Phòng Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sàng lọc 5 bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường máu (HBV, HCV, HIV, giang mai và sốt rét). Từ việc bảo quản trong các tủ lạnh gia dụng trước đây, đến nay, máu nhận về đã được bảo quản bằng các tủ chuyên dụng nên chất lượng máu được bảo đảm, chưa có đơn vị máu nào bị hủy do bảo quản không tốt. Việc truyền máu cho người bệnh cũng có nhiều tiến bộ, từ chỗ sử dụng 100% máu toàn phần đến nay đã sử dụng máu từng phần với phương châm “cần gì truyền nấy, không cần không truyền” khiến cho hiệu quả truyền máu ngày càng cao.

Để cộng đồng cùng tham gia hiến máu

Những chuyển biến trong công tác vận động hiến máu nhân đạo rất đáng phấn khởi song vẫn còn không ít khó khăn trong việc làm cho phong trào hiến máu nhân đạo phát triển sâu rộng hơn nữa, nhận thức của người dân với việc hiến máu trở nên tích cực hơn nữa và tiến tới làm sao cho cả cộng đồng cùng tham gia hiến máu. Bởi, nguồn máu dùng trong công tác khám, chữa bệnh luôn luôn cần thiết với số lượng lớn và hiện vẫn còn khan hiếm những nhóm máu hiếm (AB, Rh+, Rh-); trong khi đó, nguồn cung máu còn rất dồi dào (tỷ lệ người tham gia hiến máu hiện chưa chiếm đến 1% dân số). Anh Nguyễn Đức Phú, cán bộ thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, cho biết: “Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện. Nhờ vậy, công tác vận động hiến máu cũng thuận lợi, dễ dàng hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, thành viên Ban chỉ đạo các cấp chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên một số người chưa thật sự chuyên tâm đến công tác này. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến công tác hiến máu cũng như sự phối hợp tham gia của một số tổ chức đoàn thể, ban ngành còn hạn chế. Chính những điều đó đã khiến việc vận động làm thay đổi nhận thức cũng như chuyển tải thông tin về hiến máu nhân đạo chưa đầy đủ, nhất là đối với những vùng sâu, vùng xa và cũng làm hạn chế trong việc thu hút người dân tham gia hiến máu, nhất là các đối tượng đoàn viên, thanh niên”.

Với mục tiêu đạt tối thiểu 98% chỉ tiêu số lượng máu từ người hiến máu tình nguyện, nâng tỷ lệ người hiến máu đạt 0,97% dân số, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã đặt nhiệm vụ nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của hiến máu cứu người và an toàn truyền máu lên hàng đầu. Theo đó, sẽ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh vận động tuyên truyền về hiến máu bằng nhiều hình thức đa dạng, nhắm đến nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thanh niên, lực lượng vũ trang…

Rõ ràng, còn nhiều việc phải làm để thay đổi những ý nghĩ sai lầm về hiến máu (hiến máu là mất máu, ảnh hưởng đến sức khỏe) vẫn còn ở không ít người. Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, hành động nhân ái và là một trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Xin mượn lời của anh Mai Tiến Hùng – một người đã từng hiến máu 20 lần – để kết lại bài viết này: “Vì cơ thể chúng ta có khả năng tái tạo máu mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tôi đã 20 lần tham gia tình nguyện hiến máu, sức khỏe của tôi vẫn tốt và làm việc bình thường. Do đó, bạn và tôi hãy đăng ký hiến máu và vận động mọi người cùng tham gia hiến máu, hãy chia sẻ những giọt máu của mình vì sự sống của những bệnh nhân mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một sợi chỉ mong manh”.

    Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ