A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nguy cơ cháy chợ: Không hẳn vì thiếu kinh phí!

07:54 | 10/12/2016

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 4 vừa tổ chức tổng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chợ trên địa bàn huyện Krông Pắc, qua đó phát hiện hàng loạt sai phạm…

Đụng đâu sai đó

Chợ Phước An, chợ trung tâm huyện Krông Pắc có diện tích hơn 8.500 m2 với 450 hộ, quầy, sạp kinh doanh. Kiểm tra thực tế công tác PCCC tại đây cho thấy ngoài những vi phạm phổ biến như: tiểu thương chiếm dụng lòng lề đường làm nơi buôn bán, gây cản trở giao thông cho các phương tiện trong quá trình chữa cháy; việc bố trí các nhóm hàng chưa hợp lý, chưa đúng quy định và cũng chưa bảo đảm an toàn về khoảng cách phòng chống cháy nổ… thì vi phạm khá nghiêm trọng là tình trạng người dân tự ý câu móc điện không bảo đảm an toàn. Hệ thống đường dây điện giăng mắc chằng chịt, không thường xuyên được vệ sinh công nghiệp kèm theo việc nhiều tiểu thương treo hàng hóa, nhất là các mặt hàng dễ bắt lửa như quần áo, vải vóc lên các bảng điện, ổ cắm điện khiến cho khả năng xảy ra chập điện rất cao.

Bên cạnh đó dù chợ đã trang bị hệ thống báo động song đã bị hỏng, không hoạt động, mặt khác các phương tiện phục vụ cho công tác PCCC trong chợ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể chợ chỉ mới trang bị một máy nổ được cải tiến từ máy nổ động cơ Diezen và một máy bơm động cơ điện nên không đủ áp lực phun nước theo quy định.

Họng nước phục vụ công tác chữa cháy chợ Phước An bị tiểu thương hàn sắt, rào quanh đề bày bán hàng hóa.

Tương tự, tại chợ Ea Kly, ngoài việc không có hồ sơ thiết kế xây dựng thì các phương tiện phục vụ công tác PCCC cũng chưa đầy đủ. Chợ có diện tích khoảng 4.200 m2  và khoảng 200 hộ kinh doanh nhưng ngoài 4 bình bột chữa cháy MFZ8, chợ chỉ thiết kế một họng cấp nước, nguồn nước được lấy từ nguồn cấp nước sinh hoạt của Công ty 719. Trong khi đó theo quy định tất cả các chợ phải lắp đặt 4 họng nước bao quanh với bể chứa nước riêng và máy bơm nước, đường dẫn, vòi, lăng… Hệ thống điện của chợ cũng không chạy đường dây riêng mà các tiểu thương tự ý câu, mắc nhờ điện từ các hộ gia đình xung quanh…

Không riêng gì chợ Phước An, chợ Ea Kly mà tại các chợ: Hòa An, Ea Kênh, Ea Knuếc… dù có diện tích khá rộng, số hộ kinh doanh nhiều nhưng cũng vi phạm với mức độ khác nhau, có chợ còn tình trạng người dân đốt hàng mã, nhang khói ngay trong quầy hàng, thậm chí còn hàn xì, bịt kín cả vòi nước chữa cháy…

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Thượng tá Nguyễn Xuân Đức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 4 cho biết: “Thời gian qua bên cạnh việc chủ động xây dựng, diễn tập phương án PCCC phù hợp và huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy cơ sở của các chợ… Phòng còn thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở Ban Quản lý các chợ chấp hành nghiêm Luật PCCC, song trên thực tế công tác PCCC tại các chợ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nguyên nhân là ngoài việc các chợ thiếu kinh phí đầu tư phương tiện phục vụ công tác PCCC thì chính quyền các địa phương cũng chưa thật sự chú trọng, quan tâm đúng mức dẫn đến buông lỏng quản lý, cộng thêm ý thức của các tiểu thương chưa cao… nên nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất cao”.

Theo quy định, hiện các chợ đang hoạt động theo cơ chế tự thu chi, kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCCC do các chợ tự cân đối, nhưng thực tế kinh phí để phục vụ cho nhu cầu này là rất lớn, các chợ không tự chủ được. “Để sửa chữa lắp đặt hệ thống báo cháy kinh phí ước tính lên đến cả trăm triệu đồng, trong khi các khoản thu ở chợ chỉ đủ trả lương cho bộ phận quản lý”, Trưởng Ban Quản lý chợ Phước An, ông Bùi Ngọc Thắng than thở. Vì vậy khi lực lượng PCCC đề nghị phải khắc phục, sửa chữa hệ thống này nhằm phục vụ công tác chữa cháy, chợ cũng chỉ biết “kêu” thị trấn. Trước đó chợ cũng đã nhiều lần đề xuất, xin kinh phí đổi máy bơm có đủ áp lực phun nước chữa cháy theo yêu cầu của Cảnh sát PCCC số 4 song vẫn chưa được đáp ứng. Trong khi đó cách đây khoảng 10 năm, chợ này đã từng xảy ra vụ hỏa hoạn làm thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân.

Tương tự, Ban Quản lý các chợ: Hòa An, Ea Knuếc, Ea Phê cũng… kêu khó về kinh phí. “Dẫu biết đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện phục vụ công tác PCCC là rất quan trọng, song do tài chính eo hẹp nên cơ sở chưa có điều kiện xây bể chứa nước, thiết kế đường dây điện riêng như Cảnh sát PCCC số 4 đã đề nghị ở lần kiểm tra trước”, ông Phạm Hùng Nguyên, Trưởng Ban Quản lý chợ Ea Knuếc giãi bày.

Không có kinh phí đầu tư phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, nên giải pháp tạm thời để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ được ban quản lý các chợ triển khai là duy trì hoạt động của đội phòng cháy cơ sở, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chợ cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của bà con tiểu thương tự giác chấp hành các quy định PCCC trong quá trình kinh doanh, buôn bán, tuy nhiên những giải pháp này cũng chỉ là tạm thời, không giải quyết được “gốc rễ”. Khi những bất cập, vi phạm trong công tác PCCC đã được lực lượng cảnh sát PCCC cảnh báo nhưng nếu chính quyền địa phương vẫn không kịp thời quan tâm, bố trí kinh phí, hỗ trợ các chợ khắc phục thì hiểm họa cháy nổ ở các chợ vẫn luôn hiện hữu, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong đợt kiểm tra từ ngày 28-11 đến 7-12, Cảnh sát PCCC số 4 đã kiểm tra 9 chợ trên địa bàn huyện và nhận thấy các chợ đều vi phạm các quy định về PCCC ở những mức độ khác nhau. Qua đợt kiểm tra này, tất cả các ý kiến, kiến nghị của ban quản lý chợ sẽ được Phòng tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND huyện có hướng xử lý, giải quyết thỏa đáng, kịp thời. 


Đăng Triều

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ