A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Cuộc chiến" với hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ

13:47 | 15/02/2017

Công tác phòng chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã và đang gặp không ít khó khăn, trong đó, sự thiếu hợp tác từ phía doanh nghiệp khiến tình trạng này càng khó xử lý dứt điểm.

Cùng với sự phát triển của công nghệ và chỉ cần một vài thao tác kỹ thuật, gian thương có thể làm giả nhiều mặt hàng khiến người tiêu dùng (NTD) khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, hàng chính hãng. Thủ đoạn sản xuất, tiêu thụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) rất tinh vi. Hàng giả, vi phạm SHTT xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng bình dân đến cao cấp. Đối với hàng ngoại nhập, ngoài việc giả logo, nhãn mác, bao bì tương tự hàng chính hãng, các đối tượng sản xuất hàng giả còn dùng cả “chiêu” dán tem giả vào hàng hóa để đánh lừa NTD, thu lợi nhuận bất chính. Về trường hợp này, rượu “nhập ngoại” là mặt hàng được dán tem giả phổ biến và rất tinh vi khiến ngay cả lực lượng chức năng cũng khó phát hiện. Không chỉ các thương hiệu lớn của nước ngoài bị làm giả, nhiều nhãn hiệu trong nước có uy tín cũng trở thành nạn nhân của hàng giả. Thời gian qua, mũ bảo hiểm (MBH), rượu, phụ tùng ôtô là những sản phẩm bị vi phạm nhiều nhất, trong đó, phổ biến là tình trạng giả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm đã được đăng ký độc quyền. Những mặt hàng này có mẫu mã giống đến 90% với các sản phẩm đã có uy tín trên thị trường khiến người mua rất dễ bị mắc lừa.

Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra tem, nhãn mác, hóa đơn chứng từ mặt hàng rượu ngoại .

Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra tem, nhãn mác, hóa đơn chứng từ mặt hàng rượu ngoại .

Theo ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm SHTT không nhiều, chủ yếu tập trung vào vấn đề phân phối, kinh doanh một cách lén lút hoặc bán công khai. Trong năm 2016, Chi cục QLTT tỉnh phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm về SHTT, phạt hành chính trên 120 triệu đồng. Mới đây nhất, những ngày cuối năm 2016 đầu năm 2017, lực lượng này đã phát hiện gần 4.000 chiếc MHB có dấu hiệu làm giả và vi phạm kiểu dáng độc quyền đã được cấp cho Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, với tổng hàng hóa trị giá gần 2 tỷ đồng. Trước đó, ngày 28-12-2016, tại hộ kinh doanh Tr.Đ. D. (đường Hà Huy Tập, TP. Buôn Ma Thuột) Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng phát hiện lô hàng gồm 450 chai Vodka Men (Việt Nam) có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Men Vodka và hình ảnh được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký của Công ty Cổ phần rượu bia nước giải khát Aroma.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra số lượng mũ bảo hiểm giả thương hiệu Nón Sơn tại một hội chợ được tổ chức trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra số lượng mũ bảo hiểm giả thương hiệu Nón Sơn tại một hội chợ được tổ chức trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Vấn đề phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng rất quan trọng, vì qua đó sẽ bảo vệ NTD và doanh nghiệp sản xuất chân chính. Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, Công ty đã phải dày công đầu tư, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Thế nhưng hiện nay, các loại MBH kém chất lượng, giả nhãn hiệu và vi phạm kiểu dáng công nghiệp của Nón Sơn đang tràn lan tại thị trường Đắk Lắk. Những sản phẩm giả này có mẫu mã giống MBH thật, từ lớp vỏ bên ngoài, màu sắc đến các thông tin in bên trong chiếc mũ, song giá của nó rẻ hơn từ 2 đến 10 lần so với sản phẩm thật. Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín, thậm chí sự sống còn của bản thân doanh nghiệp.

 
“Chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là việc phải làm thường xuyên, liên tục. Dự báo năm 2017, tình hình hàng giả, vi phạm SHTT sẽ  tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, để đẩy lùi hàng giả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chủ thể sở hữu trong việc xác định hàng giả, cung cấp thông tin và sản phẩm đối chứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về nhận diện thương hiệu cho sản phẩm của mình để NTD được nắm rõ” 
 Ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh)

Về phía NTD cũng rất khó để phân biệt hàng giả - thật, bởi nhìn bề ngoài có sự khác biệt không nhiều, hơn nữa, họ lại thiếu thông tin về hàng chính hãng. Song, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi chất lượng và độ an toàn cho người sử dụng nếu không may mua phải hàng giả.

Hiện công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm SHTT đang được cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh nhưng lại gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, việc xử lý vi phạm dù đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như chế tài đủ mạnh để răn đe nhưng hạn chế ở chỗ thời gian xử lý kéo dài. Một hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm SHTT từ khi được lực lượng chức năng phát hiện đến khi có quyết định xử lý mất khá nhiều thời gian để xác minh, đối chiếu, gửi mẫu phân tích chất lượng..., từ đó thiếu tính răn đe, ngăn chặn đối với các hành vi tương tự. Thứ hai, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ để kiểm tra tại chỗ chất lượng hàng hóa, mẫu hàng thật để đối chứng của cơ quan QLTT tỉnh còn thiếu khiến hiệu quả mang lại từ công tác này chưa cao. Vấn đề đáng bàn nhất là sự chủ động, phối hợp thường xuyên từ phía doanh nghiệp sản xuất để cung cấp thông tin đối chiếu giữa hàng thật - giả với cơ quan chức năng vẫn trong tình trạng… hiếm hoi! 

 

Đỗ Lan
 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ