A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phòng chống sốt xuất huyết ở Ea Kar: Cần khắc phục "bệnh" chủ quan

09:45 | 12/10/2016

Mặc dù đã có nhiều biện pháp tích cực để đối phó với diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH), ...

... song những ngày này số người mắc SXH trên địa bàn huyện Ea Kar vẫn không ngừng tăng lên. Nguyên nhân có một phần không nhỏ là do sự chủ quan, lơ là của người dân.

Tính đến ngày 6-10, toàn huyện Ea Kar ghi nhận 250 trường hợp mắc SXH, tăng gấp nhiều lần so với năm 2015. Đặc biệt, bệnh tăng mạnh trong 1 tháng trở lại đây với 110 trường hợp mắc bệnh. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở xã Ea Đar, sau đó nhanh chóng lan ra tất cả 16 xã, thị trấn của huyện, trong đó tập trung nhiều ở 2 thị trấn Ea Knốp, Ea Kar và xã Ea Đar.

Để đối phó với bệnh sốt xuất huyết, UBND huyện Ea Kar đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng chống SXH với lãnh đạo các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND, trạm trưởng trạm y tế các xã, thị trấn; xây dựng và triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng (bọ gậy), truyền thông phòng chống sốt xuất huyết; thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy tại các thôn, buôn. Đồng thời, thành lập đoàn giám sát công tác phòng chống SXH của huyện để kiểm tra, giám sát công tác phòng chống SXH tại các xã, thị trấn…

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hướng dẫn người dân thôn 2, xã Ea Đar, huyện Ea Kar cách đổ nhớt vào lốp xe cũ  để loại bỏ lăng quăng.   Ảnh: Kim Oanh

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hướng dẫn người dân thôn 2, xã Ea Đar, huyện Ea Kar cách đổ nhớt vào lốp xe cũ để loại bỏ lăng quăng. Ảnh: Kim Oanh

Trái ngược với sự khẩn trương đó nhiều người dân lại khá thờ ơ với việc phòng chống SXH. Chuyến kiểm tra thực tế do Đoàn kiểm tra công tác phòng chống SXH của UBND tỉnh thực hiện mới đây tại một số thôn, buôn trên địa bàn huyện cho thấy, một số hộ gia đình sử dụng bể chứa nước mưa không đậy nắp; lốp (vỏ) xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn và các dụng cụ phế phẩm chứa nước đọng không được xử lý tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, nhiều lăng quăng phát triển… Kết quả kiểm tra đánh giá tình hình SXH của ngành Y tế tại xã Ea Đar – một trong 3 nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân SXH của huyện Ea Kar đã cho thấy rõ: chỉ số BI (dụng cụ chứa có bọ gậy/100 nhà điều tra) là 100 (mức bình thường <20, từ 30 là nguy cơ có dịch); mật độ muỗi là 0,8 con/nhà (bình thường là <0,1 con/nhà, 0,5 là nguy cơ có dịch).

Cũng do chủ quan nên không ít người dân chỉ chống dịch “nửa vời”, cấp xã thì rất quan tâm, còn cấp thôn lại lơ là. Đặc biệt, có nhiều người dân nắm rất chắc kiến thức về phòng chống SXH nhưng lại chưa biến thành hành động cụ thể. Thậm chí, một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn có thái độ thiếu hợp tác khi cán bộ y tế đến tuyên truyền, xử lý môi trường phòng chống SXH. Đơn cử như tại gia đình ông Phạm Văn C. ở thôn 2, xã Ea Đar, khi được cán bộ y tế hỏi về các biện pháp phòng chống SXH, cả 2 vợ chồng ông đều trả lời khá cụ thể cách phòng bệnh tại nhà. Thế nhưng, kiểm tra thực tế trong khu vực nhà ở của ông C., các cán bộ y tế phát hiện một số lốp xe, dụng cụ phế thải chứa nước ứ đọng và  có rất nhiều lăng quăng, ông chỉ cười trừ và thanh minh: “Do vợ chồng tôi bận rộn việc nương rẫy nên chưa có thời gian để dọn dẹp”. Theo bà Nguyễn Thị Tân, cộng tác viên y tế thôn 2, qua tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ y tế, đa số người dân trên địa bàn đều biết cách diệt lăng quăng, loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi để phòng bệnh SXH, nhưng nhiều gia đình, đơn vị không chịu thực hiện vì còn chủ quan cho rằng đó là những việc không đáng để bận tâm.

Rõ ràng, những biện pháp phòng chống SXH như xử lý vật dụng chứa nước để không cho muỗi sinh sản, loại bỏ phế phẩm ứ đọng nước diệt lăng quăng và khi ngủ phải nằm màn… tuy rất giản đơn, song khi người dân vẫn còn chủ quan, thì việc tuyên truyền vận động là hết sức cần thiết. Trước thực tế này, ông Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Ea Kar cho rằng: “Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức truyền thông về phòng chống SXH trên diện rộng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân thực hành vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi để làm giảm nguy cơ bùng phát dịch. Đối với những hộ gia đình, đơn vị chưa hợp tác hoặc có hành vi chống đối khi cán bộ y tế đến thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ cảnh cáo, nhắc nhở, trường hợp cần thiết sẽ xử phạt hành chính để làm gương”.      

Kim Oanh

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ