A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người dân khốn khổ vì nguồn nước sinh hoạt nhiễm xăng dầu

08:10 | 20/02/2017

Nửa năm nay, nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn buôn Jù, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu vì nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của gia đình bị nhiễm xăng dầu....

...Trong khi chờ đợi các ngành chức năng tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục thì nguồn nước ô nhiễm tiếp tục lây sang diện rộng,…

Một trong 3 hộ dân đầu tiên phát hiện nước giếng nhà bị ô nhiễm là hộ ông Trần Văn Quế. Ông Quế cho biết, khoảng tháng 8-2016, ông ngửi thấy giếng nước có mùi hôi lạ nên bơm nước lên mặt sân thì phát hiện nước có màu trắng, sủi bọt như xà phòng, trên mặt nước nổi váng màu vàng cùng mùi hôi rất khó chịu. Để minh chứng nguồn nước giếng bị nhiễm xăng dầu rất nặng, ông Quế bơm nước để vào chậu rồi dùng quẹt lửa đốt giấy bỏ vào, chậu nước bốc lửa nghi ngút. Tiếp tục bơm nước giếng dập lửa, ngọn lửa cháy theo dòng nước. Hai người hàng xóm kế bên là ông Nguyễn Duy Ứng và ông Lê Hồng Cường thấy vậy về bơm giếng nhà mình lên cũng có tình trạng tương tự nên cùng làm đơn gửi các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục để người dân có nguồn nước đảm bảo sinh hoạt, tưới tiêu, ổn định cuộc sống.

Nguồn nước phát cháy khi gặp lửa.

Ngày 9-9-2016, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Sở Tài nguyên  - Môi trường (TN-MT), Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh cùng chính quyền địa phương xuống hiện trường kiểm tra, lấy mẫu nước giếng của các hộ dân để xác định mức độ nhiễm xăng dầu. Kết quả kiểm tra bước đầu ghi nhận “Nước bơm từ giếng lên có mùi xăng nặng, có hiện tượng xăng nổi lên bề mặt”.

Nước giếng nhà ông Quế bơm lên có màu trắng, ván dầu nổi trên mặt.

Ngày 11-10-2016, UBND TP. Buôn Ma Thuột hồi đáp đơn phản ánh của các hộ dân bằng văn bản nêu rõ: “Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra không xác định được nguyên nhân giếng nhiễm xăng, dầu và chưa thể xử lý được xăng dầu tại các giếng. Đề nghị các hộ dân có giếng nước bị ô nhiễm tạm thời không sử dụng, có biện pháp che chắn, bảo vệ để ngăn ngừa các nguy cơ cháy nổ, phát tán ô nhiễm ra khu vực xung quanh”. UBND thành phố cũng báo cáo sự việc lên UBND tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp xử lý. Theo Trưởng phòng Tài nguyên nước Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) Nguyễn Văn Tuyền, sau khi có kết quả kiểm tra hàm lượng xăng dầu có trong nước giếng, Sở đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương cùng Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư Đắk Lắk kiểm tra bồn chứa xăng dầu của 2 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động gần khu vực bị ô nhiễm và kho xăng, dầu của một công ty đã ngưng hoạt động từ năm 1992 để tìm nguyên nhân gây ô nhiễm, đề xuất biện pháp khắc phục, sớm có phương án cấp nước sạch cho người dân.

Sự việc đã kéo dài gần 4 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Việc chưa tìm ra nguyên nhân gây nhiễm khiến người dân càng thêm lo lắng bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước tiếp tục lan rộng từ 3 hộ đến nay lên tới 8 hộ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Buôn Jù có 617 hộ với 2.816 nhân khẩu, trong đó chủ yếu sử dụng nước giếng để sinh hoạt, nấu nướng và tưới tiêu cây trồng. Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, đời sống của người dân ở buôn Jù sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Huỳnh Thủy

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ