A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đạo đức cán bộ, đâu phải nhất thời!

08:25 | 20/10/2017

Đề nghị lập viện đạo đức học để huấn luyện đạo đức cho cán bộ. Ý tưởng khá bất ngờ được PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nêu ra tại Hội thảo Khoa học quốc gia "Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Tuy chỉ mới là một đề nghị nhưng câu chuyện trên đã kịp phản ánh được một vấn đề: Đạo đức một số cán bộ rất đáng lo ngại. Thực tế thời gian qua cũng đã minh chứng cụ thể nhiều cán bộ, kể cả cấp cao vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây bức xúc cho người dân, giảm uy tín bộ máy quản trị nhà nước.

Nhưng như thế có cần lập viện đạo đức để huấn luyện cán bộ? Phình ra thêm một bộ máy mà dân phải nuôi và khi vào viện này rồi ra, liệu cán bộ có đạo đức tốt hơn?

Hành trình của một con người từ khi sinh ra đời gắn liền với quá trình hoàn thiện bản thân mà học hỏi về đạo đức luôn đóng vai trò then chốt. Đạo đức ban đầu là những điều nhân nghĩa ở đời, nằm trong từng lời ru câu hát, trong từng câu chuyện kể của cha mẹ. Lớn lên được vun đắp bằng những bài giảng ở trường và khi ra đời tiếp tục được bồi dưỡng bằng những định ước của xã hội và quy định của pháp luật.

Riêng cán bộ, những ràng buộc về đạo đức, trách nhiệm, nghĩa vụ càng phải cao hơn từ quy định của cơ quan, của tổ chức... Mỗi cán bộ trong vai trò phục vụ người dân càng phải tu dưỡng, rèn luyện dần trưởng thành để không được phép đi ngược lại lợi ích của cộng đồng. Bởi vậy chúng ta không chủ quan tự viện dẫn do thiếu đào tạo nên một số cán bộ vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.

Quyền lực, dù ở cấp thấp, từ hình thái xã hội xa xưa đã được ví như con quái vật. Người chủ kém cỏi, thiếu bản lĩnh qua thời gian sẽ bị nó điều khiển. Trong công tác cán bộ cũng thế. Từ vai trò nắm giữ vị trí quản trị để phục vụ người dân nhưng lòng tham, ảo tưởng về quyền lực, sự suy thoái về nhân phẩm và vô năng... sẽ dễ biến người quản trị thành kẻ tham ô, trục lợi trên chính những người đóng thuế nuôi mình. Của công sẽ biến thành của tư, tài nguyên quốc gia bị xà xẻo vào túi cá nhân, thân phận người dân bị xem thường... là những hậu quả dễ thấy của sự suy thoái đạo đức trong một số cán bộ hiện nay. Họ có thể đã bị xử lý nhưng điều đó không chắc ngăn chặn hữu hiệu những người khác nhúng chàm.

Huấn luyện đạo đức cho những cán bộ suy thoái thì huấn luyện đến bao giờ? Chúng ta có đầy đủ những công cụ xã hội để có thể răn đe, ngăn chặn và trừng phạt những người vi phạm lề lối làm việc, thiếu trách nhiệm và vi phạm pháp luật.

Ngăn chặn suy thoái đạo đức trong cộng đồng nói chung và của cán bộ nói riêng phải bằng những định chế pháp luật chứ không thể cứ mãi rao giảng bằng những giáo điều. Bởi chúng ta không đủ sức để làm và không đủ công bằng với những người tự tu dưỡng mình sống trong sự mực thước của xã hội. 

Phạm Hồ

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ