A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bỏ sổ hộ khẩu: Không ảnh hưởng công tác quản lý

08:38 | 07/11/2017

Bày tỏ ủng hộ việc bỏ hộ khẩu để giảm bớt thủ tục, giấy tờ cho người dân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, không có gì mâu thuẫn giữa yêu cầu đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho người dân và yêu cầu quản lý nhà nước....

...Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước (ĐB là Giám đốc công an tỉnh Nghệ An), ông cũng cho rằng không có khó khăn gì, vì mọi việc đã được chuẩn bị kỹ càng.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc bỏ hộ khẩu và một số lo ngại về việc buông lỏng quản lý khi bỏ loại giấy tờ xưa nay vẫn được coi là quan trọng này?
 
Ông Nguyễn Hữu Cầu: Bỏ một số giấy tờ không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý. Công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn, trên cơ sở các số liệu về dân cư được các cấp các ngành, đặc biệt là Bộ Công an đang tiến hành trực tiếp hoàn thiện. Do đó, yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, với yêu cầu quản lý chặt chẽ xã hội, không mâu thuẫn với nhau. Đây là một quá trình đã được chuẩn bị rất chu đáo và đến thời điểm hiện nay, bỏ như thế là hoàn toàn hợp lý. 
 
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông có thấy khó khăn gì đến từ việc giảm bớt thủ tục cho người dân không?
 
- Cơ quan quản lý không có áp lực gì lớn. Hiện cách mạng công nghệ 4.0 phát triển rất mạnh, trong đó áp dụng CNTT vào quản lý dân cư đã được triển khai. Tôi thì tôi quan niệm thế này, trong quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất, nhưng mà có CNTT, có thể tích hợp rất nhiều dữ liệu, chứ không đến mức ra đường phải mang đủ loại giấy tờ. 
 
Nhiều người lo ngại về ảnh hưởng đến các vấn đề chuyển giao tài sản, thủ tục đất đai... mà không có hộ khẩu có thể dẫn đến hậu quả nhầm lẫn hoặc sai lệch? Ông nghĩ sao về điều này?
 
- Khi có nghi ngờ trong công tác làm thủ tục cơ quan chức năng sẽ thẩm tra, xác minh, chứ không phải bỏ đi là không kiểm tra. Việc kiểm tra, xác định sự thật là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, còn công dân thì chỉ xuất trình thế thôi. Với một việc đã chuẩn bị rất chu đáo rồi thì có thể trích xuất thông tin, trả lời ngay rất chính xác. Tôi lấy ví dụ ở Nghệ An, tất cả dữ liệu liên quan đến chứng minh nhân dân chúng tôi có thể lên máy tính tra cứu, không có khó khăn gì. 
 
Ông có nghĩ là cần thời gian để chuyển đổi giữa các cách quản lý khác nhau?
 
-Tất nhiên là có, nhưng không dài. Chủ trương Bộ Công an đã cho làm hàng loạt căn cước công dân, chỉ cần địa phương triển khai nữa là xong. Ở Nghệ An, chúng tôi đã triển khai đến tất cả các xã rồi, người ta làm xong dữ liệu truyền lên và tỉnh sẽ quản lý. Việc triển khai sẽ rất nhanh thôi. 
 
Ông có đánh giá gì về việc tiết kiệm chi phí tuân thủ sau khi chúng ta bỏ bớt các loại giấy tờ? 
 
-Tôi cũng không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Ví dụ làm sổ hộ khẩu, thì riêng tiền giấy đã rất lớn, hay làm giấy chứng minh nhân dân, ngoài giấy mực, còn công sức anh em, chi phí đi lại, thời gian của người dân... 
 
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/11, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an giải thích, bỏ sổ hộ khẩu nhưng các biện pháp quản lý dân cư như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn thực hiện nhưng theo hướng đơn giản hoá thủ tục, giấy tờ. Bộ Công an sẽ sớm tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ và trả lời tất cả những câu hỏi đặt ra; trả lời đầy đủ tất cả những thắc mắc, những thông tin dư luận yêu cầu. 
 
M.Loan- V. Thắng (ghi)

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ