A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trạm y tế "ế" người sinh - vì sao?

15:02 | 17/12/2013

Hiện nay, hầu hết các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều được trang bị đầy đủ các thiết bị cấp cứu sản khoa, trong khi đó số người đến sinh ở trạm y tế ngày càng ít…

Mặc dù nhà ở gần trạm y tế xã, nhưng khi chuyển dạ, chị P.T.H (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) vẫn quyết tâm tìm đến Bệnh viện Đa khoa 333 (huyện Ea Kar) cách nhà gần 20 km để sinh con. Theo chị: “Trạm y tế xã chỉ tiện được cái là gần nhà, nhưng lại không có bác sĩ chuyên về sản khoa. Còn bệnh viện không những có đầy đủ trang thiết bị, máy móc mà y bác sĩ còn có trình độ chuyên môn sâu, dễ dàng ứng phó với các tình huống xảy ra khi sinh”. Cũng như chị H., nhiều sản phụ khác trong vùng cũng chọn sinh con ở các bệnh viện cho yên tâm, người có điều kiện kinh tế khá thì tìm đến bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc các bệnh viện tư nhân có uy tín; người ít có điều kiện hơn thì cũng cố đến bệnh viện đa khoa tuyến huyện để sinh con. Trên thực tế, việc tìm đến các cơ sở y tế có uy tín để sinh con là tâm lý chung của các gia đình khi chuẩn bị đón thêm thành viên mới. Theo tìm hiểu, hiện nay ở nhiều bệnh viện trên địa bàn, nhất là các bệnh viện đa khoa tư nhân luôn có đầy đủ các dịch vụ: đẻ thường, đẻ không đau, đẻ mổ trọn gói và sản phụ có thể yêu cầu chọn bác sĩ, y tá đỡ đẻ cho mình, thậm chí chọn cả giờ sinh mổ. Và đây chính là một phần nguyên nhân khiến trạm y tế bị “ế”...

Thay vì sinh tại trạm y tế, nhiều sản phụ vẫn lựa chọn đến bệnh viện để sinh con. Trong ảnh: Một ca chuyển dạ sinh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.
Thay vì sinh tại trạm y tế, nhiều sản phụ vẫn lựa chọn đến bệnh viện để sinh con. Trong ảnh: Một ca chuyển dạ sinh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.

Chẳng riêng gì những trạm y tế ở gần các đô thị, bệnh viện mà ngay cả những trạm ở vùng sâu, vùng xa cũng trong tình trạng “ế” người đến sinh. Tại Trạm y tế xã Krông Jin (huyện M’Drak), 3 năm trở lại đây chưa có trường hợp nào đến sinh tại trạm dẫu trang thiết bị và nhân lực cho một ca đỡ đẻ vẫn sẵn sàng. Trò chuyện với nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lành, người đảm nhận công tác này của trạm, chị chia sẻ: “Trạm nằm ngay cạnh thị trấn, chỉ cách Bệnh viện đa khoa huyện chưa đầy 2 km nên mọi người thường quan niệm ra bệnh viện luôn cho tiện. Hơn nữa, hiện nay hiểu biết của người dân ngày càng được nâng lên, chị em đã ý thức tốt hơn về việc sinh đẻ của mình, nhất là trong thời gian qua khi có nhiều vụ tai biến sản khoa xảy ra ở một số tỉnh, thành nên ai cũng muốn đến những nơi họ cho là “an toàn” hơn để sinh”. Ở Trạm y tế xã Ea Pin (huyện M’Drak), dù ở cách xa trung tâm gần 10 km, lại có đến 14 thôn, buôn (trong đó có 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số) tình hình cũng tương tự. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2013, trạm tiếp nhận 20 trường hợp đến sinh, giảm 59 trường hợp so với cùng kỳ 3 năm trước đó. Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, Trạm trưởng trạm Y tế xã Ea Pin cho biết: “Nhiều chị em trên địa bàn theo dõi thai kỳ tại trạm y tế, nhưng khi sinh lại đến bệnh viện huyện, thậm chí có người lên tận bệnh viện tuyến tỉnh. Thực tế, tỷ lệ phụ nữ đến sinh tại trạm ngày càng giảm nên “phạm vi hoạt động” của nữ hộ sinh cũng bị thu hẹp, chủ yếu là các công việc quản lý thai sản, khám thai, khám phụ khoa...

Theo chức năng, trạm y tế được khám, quản lý thai và đỡ đẻ những ca sinh thường. Hiện mỗi trạm y tế đều có gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu, cơ bản gồm bộ đỡ đẻ, bộ hồi sức sơ sinh, thuốc cấp cứu sản khoa và góc sơ sinh. Về nhân lực, 100% các trạm y tế đều có nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi hoặc bác sĩ đa khoa. Thế nhưng, thống kê của ngành Y tế cho thấy: năm 2013, trong tổng số 27.588 ca đẻ của toàn tỉnh chỉ có 1.787 ca đẻ tại trạm y tế, chiếm khoảng 6,5%. So với năm 2012, tỷ lệ này giảm 2,4%. Lý giải nguyên nhân của vấn đề này, bác sĩ Bùi Thị Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch – tổng hợp, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho rằng: “Tỷ lệ sinh tại trạm y tế ngày càng giảm một phần là do một số trạm y tế xã, phường, thị trấn gần với cơ sở y tế tuyến trên hoặc các dịch vụ y tế tư nhân nên sản phụ thường chọn đến sinh tại bệnh viện huyện, thành phố hoặc nhà hộ sinh tư nhân. Mặt khác, do nhiều chị em ở vùng sâu vùng xa, mặt bằng dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu cộng với điều kiện kinh tế khó khăn nên thường sinh ở nhà chứ không ra trạm y tế. Còn một nguyên nhân nữa là hiện nay tại một số vùng khó khăn của tỉnh đã có mạng lưới cô đỡ thôn buôn được đào tạo cơ bản hoạt động nên cũng giảm tỷ lệ đẻ tại trạm y tế”. Cũng theo bác sĩ Tâm, hiện nhân lực, vật lực của các trạm y tế đáp ứng tương đối đầy đủ các nhu cầu của người dân trong lĩnh vực sản khoa. Tuy nhiên, để các trạm y tế phát huy khả năng và điều kiện của mình trong lĩnh vực này, thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, nhất là bà mẹ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; cung cấp các kiến thức về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh để người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tìm đến trạm thụ hưởng dịch vụ khi sinh đẻ. Ngoài ra, phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, Quyết định 5231 về hướng dẫn xử trí tai biến sản khoa; hướng dẫn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản… nhằm hạn chế tai biến sản khoa tại cơ sở y tế để người dân tin tưởng khi đến sinh tại trạm.

Rõ ràng, đây đang là một thách thức đặt ra cho ngành Y tế. Làm thế nào để nâng cao hơn nữa năng lực cho y tế cơ sở, tạo được niềm tin với người dân trong việc lựa chọn dịch vụ là vấn đề đòi hỏi ngành Y tế cần giải quyết ngay để ngăn chặn tình trạng lãng phí nhân lực, vật lực đã xảy ra ở một số trạm y tế “ế” người sinh.

Kim Oanh

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ