A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi mới giáo dục và nỗi lo 35.000 tỷ

10:02 | 15/04/2014

Ngày 14-4, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình,...

sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng đề án "chưa rõ tính khả thi”; trong khi để thực hiện đề án này tốn "ngót” 34.375 tỷ đồng, chưa kể tiền đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất.

Người học, đối tượng trực tiếp chịu tác động của đổi mới GDĐT Ảnh: Hoàng Long
 
Đề án lớn, nhưng báo cáo tác động "vỏn vẹn” 2,5 trang
 
Cùng ngày Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề do Bộ Lao động thương binh và xã hội soạn thảo.

Đó chính là điều mà nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tính khả thi của đề án, trong khi báo cáo đánh giá tác động lại quá ngắn, và "lợi” nhiều hơn "khó”. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng: Đề án lớn, nhưng báo cáo tác động của đề án chưa rõ. Chỉ có 2,5 trang nhưng trong đó đa phần là thuận lợi, mà không nêu khó khăn. "Vậy chương trình sách giáo khoa phổ thông tác động tới các chương trình khác như: đại học, dạy nghề, cuộc sống như thế nào? Ít đánh giá phân tích cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực để bảo đảm”-ông Hiền đặt vấn đề. 

 
Cùng chung quan điểm, nhưng phân tích sâu thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của xã hội Trương Thị Mai cho rằng: "Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông căn cứ theo báo cáo giám sát là chưa đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Bởi báo cáo giám sát không phải là căn cứ để đổi mới”. Theo bà Mai, đề án vẫn định tính nhiều hơn định lượng. "Vậy đầu ra của Nghị quyết này là như thế nào? Phải làm sao chỉ rõ được lần đổi mới này khác với những lần trước như thế nào? tức là phải đạt cao hơn về chất, phải được lượng hóa, chứ không thể định tính”-bà Mai nói.
 
Phân tích mổ xẻ sâu thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng thẳng thắn: "Viết báo cáo đánh giá tác động quá ngắn gọn, đọc mà tưởng báo cáo tóm tắt”. Sau khi chỉ ra, chương trình phổ thông là bước đầu trang bị kiến thức, nhân cách để các em bước vào đời, ông Dũng chỉ  ra những điểm yếu của đề án, đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo  phải làm rõ chương trình ảnh hưởng đến nhân cách của nhiều thế hệ học trò ra sao? Tác động đến phát triển kinh tế xã hội thế nào?
 
Sau khi tiếp tục đặt vấn đề: "Sao báo cáo tác động chỉ có 2,5 trang”?, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý gay gắt: "Năm 2000 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 40 về đổi mới sách giáo khoa phổ thông. Vậy kết quả thực hiện Nghị quyết 40 được gì? Giờ đòi sửa mới thì ra sao? Nếu không luôn đổi mới mà không ổn định. Những gì cần sửa đã đưa vào trong Luật Giáo dục đại học rồi. Giờ phải lấy ý kiến chuyên gia. Báo cáo đánh giá không phải là đánh giá về tác động tâm lý học sinh, mà phải đánh giá về tác động của từng phương án quy định trong đề án? Tại sao là Nghị quyết chứ không phải là Luật?”.
 
Lo tính khả thi
 
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Kinh phí thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 là 34.375 tỷ đồng chưa kể đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật”. Trước băn khoăn về tính khả thi của đề án, giờ lại ngốn thêm ngân sách ngót gần 2 tỷ USD, nhiều đại biểu đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm rõ.
 
"Chúng ta cứ đổi mới mãi. Làm gì phải tương xứng vì gần 2 tỷ USD không phải là nhỏ, chứ không phải lần nào trình ra Quốc hội xin đổi mới rồi cứ loay hoay, mà cần làm đầy đủ hơn”-Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nói. 
 
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, phải có báo cáo tác động để thấy tính khả thi. Chúng ta làm 14 năm nhưng đến nay vẫn cãi nhau mãi về sách giáo khoa. Còn 10 năm nữa tức là đến năm 2023 mà thay đổi toàn diện giáo dục thì sẽ như thế nào? Chương trình, sách giáo khoa, giáo viên thay đổi như thế nào? Không đơn giản!. 
 
Sau khi đưa ra dẫn chứng ở Cuba ai cũng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, và hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng con cháu của chúng ta 30 tuổi mà không biết Phi-đen (Fidel Castro, nhà lãnh đạo chủ chốt của cách mạng Cuba) là ai?, ông Phước nói: "Thế thì chết rồi. Đây là sản phẩm của giáo dục. Không khéo về sau con cháu không biết ai với ai, mà chỉ quan tâm đến những cái đương thời. Tôi thấy hoang mang cái mới là cái gì thì chưa rõ. Nói nhiều về sách giáo khoa giờ quyết tâm đột phá là cái gì? Đến năm 2020 thì đạt được cái gì? Quan trọng phải là kiến thức tư duy, nên giáo trình cần thực tiễn hơn, cần dễ hiểu hơn, đi cụ thể để phát triển. Đây là vấn đề khó nhưng khó mới yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm, chứ dễ thì không cần. Vì vậy phải xin ý kiến chuyên gia,  nhằm huy động toàn bộ sức mạnh, trí tuệ của toàn dân tộc”.
 
Bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của đề án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề: "Có làm được không? Hay lại không đảm bảo rồi lại bảo tăng tiền. Phải tránh tình trạng do cơ sở vật chất không đáp ứng, thiếu này, thiếu kia rồi chất lượng sách, người dạy kém”. Theo Chủ tịch Quốc hội, phải đánh giá trong quá trình 10 năm thực Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới chương trình, bổ sung sách giáo khoa hay dở ở chỗ nào? Giờ đổi mới phải có kế thừa chứ không phải cái gì cũng mới. Từ đó mới đề ra quan điểm, mục tiêu yêu cầu đối với chương trình, sách giáo khoa. "Tôi đọc thấy chưa rõ, cảm thấy không có nội dung mà chỉ chép lại quan điểm của Đảng. Không biết tổ chức thực hiện và đổi mới thế nào mà viết cứ lẫn lộn, trùng lấn với nhau. Viết thế này chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội”-Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.
 
H.Vũ

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ