A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần cấu trúc lại hệ thống giáo dục

14:27 | 24/04/2014

Chúng ta đang kéo dài sự lãng phí nguồn nhân lực và ngân sách đào tạo. Cần mạnh dạn cải cách, tái cấu trúc cả hệ thống giáo dục, phổ thông và ĐH, không thể chậm hơn trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

 
 
Hầu hết  học sinh tốt nghiệp lớp 12 thi vào ĐH, CĐ
 
Nên dừng tuyển sinh các trường ĐH?
 
Nên tạm dừng tuyển sinh ĐH, trừ số ít ngành đang báo động thiếu người học - Nói điều đó nghe như đùa và có phần tàn nhẫn khi gần một triệu học sinh (HS) lớp 12 đang hăm hở thi xong tốt nghiệp là lao vào cuộc đua ở hơn 400 trường ĐH, CĐ mùa tuyển sinh lắm đổi mới này. Trượt ĐH, ai không trăn trở trước ngã ba đời: học nghề hay ở nhà "phục thù” thi ĐH tiếp sang năm. Vậy thì hà cớ gì nên dừng tuyển sinh, dừng ở hầu hết các trường ĐH?
 
Đơn giản, vì cả nước đã quá thừa lao động ĐH. Theo "Quy hoạch phát triển nhân lực 2011-2020” do Chính phủ phê duyệt giữa năm 2011, thì tới 2015 nước ta cần khoảng 3,3 triệu lao động ĐH với khoảng 200 ngàn lao động trên ĐH. Vậy mà hai con số này hiện đều vượt mức 3,7 triệu, theo bản tin thị trường lao động cuối năm ngoái.
 
Minh họa sinh động cho khủng hoảng thừa lao động ĐH không chỉ là con số đắng ngắt 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, mà không ít cư dân Hà Nội thường nhận được tin nhắn: "SV/cử nhân HN nhận dọn dẹp nhà, văn phòng, chung cư - năng động, nhiệt tình, trung thực…, xuất trình thẻ SV, CMTND khi làm…Giá.., số đt…”. Rất nhiều người trong số này là cử nhân thất nghiệp dù chưa có khảo sát cụ thể.
 
Đau xót là thế nhưng theo quy luật "vận hành thường niên”, năm nay các trường ĐH, CĐ cả nước tiếp tục tuyển sinh khoảng 550 ngàn SV. Con số cử nhân thất nghiệp sẽ còn báo động tới đâu? Còn bao nhiêu SV phải âm thầm nhắn tin xin đi làm osin nữa? Kết quả cử nhân thất nghiệp tăng là kết quả của quá trình số trường ĐH, CĐ mọc ra chi chít trong khi năng lực tư duy và học tập của SV thế kỷ 21 ở ta teo tóp lại.
 
Có người thẳng thắn chỉ ra "hoạt động đào tạo hiện nay ở các trường ĐH, CĐ thực chất nghiêng về mục tiêu nuôi sống trường hơn là phục vụ nhu cầu xã hội, đáp ứng thực tế thị trường lao động”. Đây là sự thật trần trụi rõ ràng nhưng ai sẽ đủ tâm, đủ tầm cải tổ lại trật tự hệ thống đào tạo, đổi mới cơ chế, chính sách hợp lý? Ai mạnh tay thu hẹp chỉ tiêu đào tạo ĐH, thay vì chiều lòng các trường tới mức thay điểm sàn bằng nhiều điểm sàn cho "cả nhà vui”? 
 
Thay vì làm ngơ để các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) không tuyển sinh nổi phải tự giải thể, Nhà nước hãy mạnh dạn giải tán hoặc sáp nhập các trường ĐH, CĐ không đủ điều kiện hoạt động, trong đó có tiêu chí không đủ số SV tối thiểu để đào tạo. Hai Bộ GD&ĐT và LĐTB&XH không nên giữ lâu hơn hai "miếng bánh” đào tạo nghề, như hai con dê qua cầu… bất phân thắng bại…, phải hợp nhất khối dạy nghề.
 
Bộ GD&ĐT vừa xin ý kiến rộng rãi về Dự thảo quy chế tuyển sinh TCCN mong cứu các trường này, hóa giải khủng hoảng thừa lao động ĐH. Nhưng chưa thấy có điểm mới nào trong dự thảo, theo lãnh đạo nhiều trường THPT và TCCN. Chỉ nguyên thời gian làm hồ sơ đăng ký xét tuyển TCCN vẫn không thực hiện song song với hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ, phải làm sau, đã cho thấy phân luồng đào tạo còn gian nan. 
 
Hội thảo "Giáo dục dạy nghề và các giải pháp đồng bộ góp phần định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông”, do Sở GD&ĐT TP.HCM và Tập đoàn EMG Education tổ chức hôm qua 23-4. Giới sử dụng lao động hiện yêu cầu rất khắt khe đối với lao động, mong muốn HS phải được trang bị đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng giải quyết tình huống, chấp hành nghiêm tác phong lao động… khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các đại biểu cho biết.
 
Đề xuất chính sách đột phá
 
Một văn bản kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét, chấp thuận cho thí điểm đào tạo theo mô hình 9+5 vừa được UBND TP.HCM gửi đi, hy vọng có thể triển khai thí điểm ngay năm học tới 2014 - 2015. Với mô hình này, đào tạo bậc CĐ sẽ tuyển sinh từ khi HS tốt nghiệp THCS. HS sau lớp 9 sẽ đào tạo 5 năm theo 3 giai đoạn. Hai năm vừa học văn hóa theo chương trình dành cho học sinh TCCN (hệ tốt nghiệp THCS) vừa học một số kỹ năng nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề. Một năm tiếp theo học văn hóa để hoàn tất theo chương trình quy định và học các môn học, kỹ năng trình độ TCCN. Hai năm cuối hoàn chỉnh kiến thức và kỹ năng bậc CĐ.
 
Có trên 70 ngàn HS tốt nghiệp THCS mỗi năm ở TP.HCM. Nếu triển khai mô hình đào tạo 9+5 với 3 giai đoạn, phụ huynh sẽ quan tâm cho con em vào học các trường chuyên nghiệp và dạy nghề sau khi học xong lớp 9, thay vì "quen” cho con em học tiếp và thi ĐH, CĐ gây sự lãng phí rất lớn cho xã hội. Hướng nghiệp và đào tạo liên thông giáo dục nghề, giáo dục ĐH mới hy vọng khả thi, gỡ được thế bế tắc hiện nay.
 
Nếu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta cần thay đổi tư duy, phương pháp mới đột phá được, quy hoạch lại vùng sản xuất, hỗ trợ từ khâu sản xuất, chế biến, tới tiêu thụ sản phẩm, thì đào tạo nhân lực cũng không thể khác. 
 
Nhà nước không thể nhắm mắt làm ngơ, giữ chỉ tiêu đào tạo ĐH bất chấp thừa mứa, ùn ứ lao động ĐH trở lên. Các trường ĐH không thể như cái bẫy khổng lồ "lừa” lòng hiếu học của con em nhân dân thi nhau học lên khiến số lượng đội lên mãi, Nhà nước không thể chi miên man các khoản thuế của dân để đổi mới cải cách chung chung, sẽ có tội với nhiều thế hệ, trước hết có tội với hơn 70 ngàn cử nhân thất nghiệp hôm nay. 
 
Trở lại chuyện đào tạo ĐH, chả lẽ chỉ để nuôi sống trường? Hãy minh bạch thông tin khủng hoảng thừa ĐH, như cảnh báo hút thuốc nguy hiểm trên bao thuốc, bởi giáo dục ĐH đang không chỉ xuống cấp về chất lượng. 
 
Tạm dừng tuyển sinh nhiều ngành ĐH để cứu nguồn nhân lực, hay chỉ cứu các trường, mặc nhiều thế hệ SV, cử nhân sống mòn, chết mòn? Bài toán cơ cấu lại hệ thống phải được Bộ GD&ĐT bàn nghiêm chỉnh trong đổi mới căn bản toàn diện, trước khi bàn tới đổi mới Chương trình, sách giáo khoa và hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho hệ thống dạy nghề của 2 Bộ cũng là tiền ngân sách không được phép lãng phí, "đắp chiếu” mãi.
 
Thanh Như

 

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ