A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đăng ký môn thi THPT Quốc gia năm 2015: Cẩn trọng, cân nhắc

09:53 | 13/04/2015

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 1-4 học sinh trên địa bàn tỉnh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015.

Song theo ghi nhận của phóng viên, kể cả học sinh (HS) và các thầy, cô giáo các trường THPT, Trung tâm GDTX đều đang rất cẩn trọng, cân nhắc…

Chờ đến giờ “G”

Buổi chào cờ sáng thứ 2 (ngày 6-4), Trường THPT Cao Bá Quát dành phần lớn thời gian triển khai cho HS khối lớp 12 đăng ký các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2015. Như vậy, đây là lần thứ 3, nhà trường tổ chức thăm dò nguyện vọng của HS về môn thi tốt nghiệp. Lần đầu tiên khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, tiếp đó là Sở GD-ĐT có chủ trương đồng ý cho phép HS chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ và lần này là trước khi các em quyết định viết vào hồ sơ đăng ký dự thi. Thầy Lê Văn Kiệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Qua mỗi lần thăm dò giúp các em cân nhắc, lựa chọn môn thi, ngành học phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Về phía nhà trường chủ động điều chỉnh thời gian, nội dung ôn tập nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Dù chưa có kết quả chính thức, nhưng lần thăm dò nguyện vọng các môn thi tốt nghiệp lần này không thay đổi so với các lần đăng ký trước. Trong tổng số 380 em HS đang học lớp 12, có 52 em chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp, số còn lại vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đáng mừng, phần lớn các em HS lớp 12 chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi ĐH, mỗi em chỉ chọn 5 môn thi, có chưa đến 10 em chọn hơn 5 môn thi tốt nghiệp”.

Học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh đang tìm hiểu thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Tương tự, Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã nhiều lần phổ biến Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đến toàn thể học sinh lớp 12; giới thiệu đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Thầy Phan Văn Tô, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo kết quả thăm dò nguyện vọng đăng ký các môn thi tốt nghiệp, chỉ có 12 em trong tổng số 512 em HS đang học lớp 12 dự thi để công nhận tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm học trước, xu hướng chọn ngành nghề của các em HS thiên về khối A, cụ thể có 360 em chọn môn Toán, 290 em chọn môn Lý, 275 em chọn môn Hóa, môn Địa 83 em, môn Sinh 75 em và môn Sử 33 em. Song đây cũng chỉ là kết quả sơ bộ để trường bố trí lớp học, sắp xếp thời khóa biểu ôn tập hợp lý. Các em có một tháng để đăng ký các môn thi, do vậy không nên vội vàng, cần cân nhắc kỹ môn thi, ngành học phù hợp, chờ gần đến hạn (30-4) mới chính thức đăng ký. Cùng quan điểm trên, cô Võ Đăng Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Drak) nói: Hiện nay, hồ sơ đăng ký dự thi chưa chuyển về. Do tính chất quan trọng của kỳ thi “2 trong 1” nên khi có hồ sơ, nhà trường sẽ photo để HS đăng ký nháp, gần tới ngày 30-4 mới đăng ký chính thức.

Cô, trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ) trao đổi kinh nghiệm học, thi tốt môn Ngữ văn

Tăng tốc ôn thi

Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi đặt ra 2 yêu cầu cơ bản và nâng cao, tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Trong đó tỷ lệ điểm dành cho phần cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để bảo đảm phân loại được trình độ thí sinh.

Giờ tự ôn tập của học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buồn Hồ)

Tuy nhiên theo đề thi minh họa bảo đảm phân loại thí sinh với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ bằng 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu để đạt 6 điểm của phần cơ bản, ngoài nắm vững kiến thức cần phải có kỹ năng làm bài. Những HS có học lực trung bình, cũng chỉ có thể đạt 4/6 điểm của phần thi này, do vậy áp lực để đỗ tốt nghiệp năm nay khá nặng nề. Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát Lê Văn Kiệt cho biết: “Giữa tháng 4, trường tổ chức thi học kỳ II, sau khi có kết quả của 8 môn thi cơ bản (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Lịch sử) sẽ tổ chức cho các em lớp 12 thi theo đề thi mẫu của Bộ GD-ĐT. Từ kết quả đó sẽ điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy-học, tăng thời gian phụ đạo đối với những môn có kết quả thi thử chưa cao. Khác với các năm trước, đề cương ôn tập vừa có kiến thức căn bản vừa có nâng cao bởi chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa làm cơ sở xét tuyển ĐH, CĐ. Trường sẽ tổ chức dạy phụ đạo các môn thi THPT đến ngày 25-6”. Trong khi đó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Phan Văn Tô lại lo lắng: “Theo khung thời gian năm học, đến ngày 20-5, các em HS hoàn thành chương trình học. Do vậy làm thế nào để quản lý học sinh từ đó cho đến ngày thi THPT là điều không dễ, bởi với những HS có học lực trung bình và dưới trung bình nếu không ôn tập thường xuyên khó có thể đạt kết quả như mong muốn, do vậy nhà trường đã lên kế hoạch họp toàn thể phụ huynh khối lớp 12 để xin ý kiến tổ chức ôn  tập cho các em đến cận kề ngày thi”. Không chỉ vậy, HS tại các trường vùng sâu, vùng xa trong tỉnh lại có những khó khăn riêng, theo quy định của Bộ GD-ĐT các trường cập nhật hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 3 ngày/lần, công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển, xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Căn cứ vào thứ tự xếp hạng và chỉ tiêu tuyển sinh, thí sinh có thể biết mình trúng tuyển hay không. Như vậy, HS  vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số sẽ thiệt thòi, thậm chí mất cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ do cập nhật, nắm bắt thông tin tuyển sinh chậm.

Nguyên Hoa

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ