A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trao cơ hội cho người trẻ

08:02 | 13/12/2017

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ với nhiều quy định cụ thể để người trẻ có tài góp sức xây dựng đất nước....

...  Trong đó, sinh viên từng có thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đều được tính điểm cộng trong xét tuyển dụng.

Để trao cơ hội cho người trẻ có tài, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách. Đề án 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch tại các xã nghèo của cả nước là một ví dụ. Qua đó, rất nhiều bạn trẻ, dù mới vừa rời ghế nhà trường nhưng đã đảm trách những nhiệm vụ lớn lao của một xã. Khi mới thực hiện Đề án này, nhiều ý kiến nghi ngại rằng, với những người trẻ dù có tài nhưng thiếu kinh nghiệm, kĩ năng sống...liệu có đảm nhận được cương vị cán bộ ở cơ sở hay không? Bằng sự đổi thay của vùng đất khó, bằng số liệu hộ nghèo ngày càng giảm đi, bằng cuộc sống của đồng bào ở xã khó đã được cải thiện... đã chứng minh người trẻ khi được trao cơ hội, họ sẽ làm được những điều lớn lao.

Thực tế cũng cho thấy, tự thân người có tài khó phát huy được những tài năng của mình nếu thiếu đi sự quan tâm, trợ giúp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta ngày càng chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng, phát huy và trọng dụng tài năng trẻ nói chung và tài năng khoa học trẻ nói riêng. Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động đào tạo, phát triển tài năng trẻ lại được quan tâm đặc biệt như hiện nay. Điều đó thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ chủ trương, đường lối đến những quyết nghị, chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo và việc thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể. Đã có rất nhiều tài năng trẻ, tài năng khoa học trẻ Việt Nam được vinh danh trong nước và trên thế giới, họ là những tấm gương tài năng trẻ tiêu biểu, là niềm tự hào của đất nước, là niềm tin, là sự kỳ vọng về sự vươn lên, trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, việc trọng dụng và phát huy tài năng trẻ ở nước ta hiện vẫn còn những bất cập, đặc biệt trong khối hành chính sự nghiệp và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Một thực tế cho thấy nhiều tài năng trẻ từ chối không muốn làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong khi Nhà nước rất cần người tài để xây dựng và quản lý chính sách. 

Chẳng hạn, tại Hà Nội, trong hơn 10 năm trải thảm đỏ kêu gọi nhân tài mới chỉ thu hút được 103 thủ khoa trong tổng số 1.203 em. Tại Đà Nẵng, sau hơn 7 năm thực hiện chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” cũng chỉ thu hút được 500 thạc sĩ, sinh viên khá giỏi về làm việc. Hằng năm, chúng ta có hàng chục đoàn học sinh giỏi đi thi đấu quốc tế ở nhiều lĩnh vực khoa học và gặt hái được nhiều giải thưởng lớn...nhưng điều đáng nói là sau khi tốt nghiệp họ không mặn mà khởi nghiệp và trụ lại ở cơ quan nhà nước.

Vì lý do gì sinh viên giỏi, ưu tú ra nước ngoài học tập lại không quay trở về cống hiến tại quê hương? Vì sao một số tài năng trẻ không muốn vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước? Có rất nhiều lý do cản bước người tài vào cơ quan nhà nước. Bởi để có chân trong cơ quan nhà nước là điều không dễ. Câu chuyện thủ khoa của ĐH Sư phạm II Bùi Thị Hà trở về quê hương nuôi lợn vì không tìm được việc; hay Lê Văn Ngọ là thủ khoa đầu ra Trường ĐH Giao thông vận tải năm 2013, Chu Thị Yến, thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của Trường ĐH Giao thông vận tải năm 2015 là những minh chứng sinh động cho thấy đường vào cơ quan nhà nước không dễ. Vào cơ quan nhà nước đã khó, để tồn tại ở đây cũng không dễ bởi có quá nhiều lý do để người tài dứt áo ra đi. 

Nói về lý do mình phải dứt áo ra đi, nhiều bạn trẻ cho biết, lương thấp là một rào cản, nhưng môi trường không thân thiện mới là rào cản chính. Theo người trẻ, cơ hội dường như chỉ có với người “sống lâu lên lão làng”, trong khi đó, môi trường làm việc lại thiếu tính cạnh tranh, ít cơ hội để họ thi thố, khẳng định tài năng. Người trẻ họ rất muốn đương đầu với thử thách, mong muốn được lãnh đạo tin tưởng, giao việc hoặc ủy quyền để thực hiện những công việc quan trọng. Nhưng ở một số nơi, những người trẻ mới về làm việc thường chưa nhận được sự đánh giá đúng mức, thậm chí phải đảm nhiệm công việc không phù hợp với chuyên môn và năng lực... Đó là những lý do khiến người trẻ không gắn bó với cơ quan nhà nước.

Chính vì vậy Nghị định 140/2017/NĐ-CP thực sự là một cơ hội trao cho người trẻ, để thu hút, giữ chân người giỏi. Có nhiều đặc cách với người thực sự có tài. Sinh viên từng có thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đều được tính điểm cộng trong xét tuyển dụng. Với những sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định đều là những điều kiện quan trọng để cộng điểm khi vào cơ quan nhà nước. Như vậy điều kiện tuyển dụng đã mở hơn với người tài.

Ngoài ra để giữ chân người tài Nghị định 140 nêu rõ: Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự trong thời gian ít nhất là 3 tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tập sự sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tăng thêm quy định. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 1, hệ số lương 2,34; cán bộ khoa học trẻ có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 2, hệ số lương 2,67; cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 3, hệ số lương 3,00. Đồng thời, được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng. Ngoài khoản phụ cấp tăng thêm cán bộ còn được hưởng các khoản phụ cấp lương theo quy định của pháp luật hiện hành đối với khu vực, ngành, lĩnh vực đặc thù (nếu có).

Tin ở người trẻ, trải thảm đón người tài nhưng đường đi của người trẻ không chỉ được rải hoa hồng, với những người không làm được việc họ cũng sẽ bị loại bỏ khỏi guồng máy. Nghị định cũng nêu rõ, trong thời gian 3 năm kể từ ngày được tuyển dụng nếu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan bố trí công tác khác. Trường hợp có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.

Nguyên Khánh

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ