A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nguy cơ mai một lễ hội truyền thống ở một vùng quê

09:28 | 25/08/2014

Xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) hiện có 6.472 người là đồng bào dân tộc Tày - Nùng và Êđê sinh sống, chiếm hơn 68% dân số toàn xã. Do nhiều nguyên nhân, thời gian qua các lễ hội truyền thống của các dân tộc ở đây dần phai lạt, thậm chí có nguy cơ biến

Nhạt nhòa bản sắc

Lễ hội làm sống lại “không gian thiêng”, đưa con người trở về với cội nguồn, không chỉ tôn lên nét đẹp văn hóa dân tộc mình mà còn đề cao giá trị nhân văn sâu sắc: khơi dậy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, củng cố thêm tình đoàn kết, niềm lạc quan; đồng thời là nơi vui chơi giải trí sau mùa vụ lao động vất vả…

Là một địa phương có đông đồng bào DTTS, xã Cư M’gar có rất nhiều lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, trong năm xã chỉ tổ chức được duy nhất một lễ hội, đó là lễ hội Lồng tồng (nghĩa là Xuống đồng) của người dân tộc Tày – Nùng. Đây là lễ hội đầu tiên của năm mới nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, vui vẻ. Trong khi đó các lễ hội của người Êđê như đâm trâu, rước kơ pan, cúng bến nước, mừng lúa mới… thì không còn được duy trì. Vì thế, lễ hội Lồng tồng được coi như “ngày hội” lớn ở xã Cư M’gar. Từ năm 2009 đến nay, cứ vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Lồng tồng đã thu hút sự tham gia của đồng bào các dân tộc khác như Kinh, Dao, Ê đê, Vân Kiều… ở các xã, các huyện lân cận cùng đến chung vui. Thế nhưng, theo từng năm quy mô lễ hội dần bị thu hẹp, công tác tổ chức sơ sài, năm sau không còn đông vui, tấp nập như năm trước. Chị Lục Thị Huệ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính, hát then của xã chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu của bà con người Tày - Nùng muốn lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình, những thành viên trong câu lạc bộ đã đứng ra tổ chức lễ hội Lồng tồng với sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền địa phương. Nhưng 2 năm gần đây, ngân sách tổ chức lễ hội từ chính quyền rất hạn chế, trong khi công tác vận động người dân rất khó khăn, kinh phí không được là bao nên công tác tổ chức lễ hội bị cắt xén khá nhiều như bỏ bớt băng rôn, khẩu hiệu, việc quảng bá, giới thiệu lễ hội; bỏ nhiều trò chơi trong phần hội nên thu hút ít người dân tham gia. Tổ chức thi ẩm thực không được mở rộng ở hết các thôn buôn, phần giao lưu giữa các xã, huyện khác hời hợt…

Một số  nghệ nhân Câu lạc bộ đàn tính, hát then thôn 3  xã Cư M'gar.

Một số nghệ nhân Câu lạc bộ đàn tính, hát then thôn 3 xã Cư M'gar.

Với thực trạng này chúng tôi rất lo lắng liệu lễ hội Lồng tồng có còn được tổ chức trong những năm tới?” Qua tìm hiểu, ngoài vấn đề kinh phí, một trong những lý do khiến lễ hội Lồng tồng gặp khó khăn nữa là thiếu địa điểm tổ chức. Mấy năm trước, lễ hội diễn ra trên những cánh đồng bằng phẳng, rất thuận tiện tổ chức các trò chơi và thi ẩm thực, nhưng 2 năm nay đất ruộng được người dân canh tác, lễ hội đành diễn ra tại sân của hội trường thôn 3 với diện tích nhỏ hẹp nên việc tổ chức các trò chơi phải phân tán, một số trò chơi cần không gian rộng như Tung còn - trò chơi đặc trưng nhất của người Tày - Nùng bị hạn chế về không gian. Do khó khăn nên lễ hội Lồng tồng đầu năm 2015 chỉ còn mấy tháng nữa sẽ diễn ra, nhưng đến thời điểm này công tác tổ chức vẫn còn bỏ ngỏ.

Thực trạng lễ hội của người Tày - Nùng là vậy, lễ hội của người Êđê còn đáng buồn hơn. Dù người dân tộc Êđê chiếm 54,5% dân số toàn xã nhưng đến nay các lễ hội của họ lại gần như “vắng bóng” trên địa bàn. Vốn là người bản địa và đã công tác lâu năm trên mảnh đất này, ông Y Trem Niê - Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho hay: vẫn biết các giá trị văn hóa dân tộc bị mai một nhưng khó có thể giữ gìn được do không có kinh phí, thế hệ trẻ không còn đam mê các nhạc cụ dân tộc. Ví như bây giờ muốn dạy lớp trẻ đánh cồng, chiêng thì phải mua chiêng và cần nguồn kinh phí mở lớp. Lễ hội cũng không còn được thiết tha vì điều kiện kinh tế không ai chịu mổ trâu, bò mời cả làng; cồng chiêng, ghế kơ pan ít hiện diện trong đời sống người dân, chỉ khi có đám ma, tiếng cồng, chiêng mới vang lên. Hơn nữa, người dân hiện chủ yếu chuyên canh cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, hồ tiêu… ít trồng lúa nên lễ hội mừng lúa mới cũng bị “bỏ quên” từ lâu.

Trăn trở công tác bảo tồn

Có thể nói, lễ hội – một trong những bộ phận không thể thiếu của nền văn hoá cổ truyền các dân tộc đang đứng trước thử thách đặt ra trong đời sống đương đại. Chị Nguyễn Thị Hà Lý, cán bộ văn hóa xã Cư M’gar thừa nhận: đến nay xã vẫn chưa có đề án nào nhằm khôi phục và bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc. Ngoài câu lạc bộ đàn tính, hát then vẫn duy trì thì các khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng chưa được xây dựng. Trước đây, xã từng phối hợp với các trường học mở lớp dạy đánh cồng, chiêng, đàn bầu cho học sinh, nhưng do thiếu kinh phí nên đành dừng lại. Cả xã giờ chỉ còn có lễ hội Lồng tồng là niềm tự hào, cần được lưu giữ và phát huy. “Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, phối hợp với các đoàn thể, động viên các nghệ nhân và người dân tộc Tày - Nùng sinh sống trên địa bàn tham gia để tiếp tục tổ chức lễ hội Lồng tồng” - chị Lý cho biết.

Các lễ hội truyền thống ở xã Cư M’gar đang dần mất bản sắc xuất phát từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho lễ hội quá hạn hẹp cùng với sự kém mặn mà từ chính đồng bào dân tộc nơi đây. Vì vậy, để bản sắc văn hóa truyền thống không bị phai nhạt, tự mỗi người dân cần có trách nhiệm lưu giữ thông qua những hành động cụ thể: lớp người đi trước truyền dạy những giá trị văn hóa để lớp trẻ tiếp thu, hiểu rằng không được đánh mất “cái hồn” của dân tộc mình như cồng, chiêng, ghế kơ pan, điệu hát then, cây đàn tính...Mặt khác, chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ, đảm bảo nguồn kinh phí hợp lý để duy trì, phát triển lễ hội địa phương. Có như vậy, việc bảo tồn văn hóa của các dân tộc mới mang tính khả thi.

Thùy Duyên

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ