A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giữ gìn nét văn hóa cồng chiêng của đồng bào Xê Đăng ở xã Ea Uy (Krông Pak)

09:13 | 11/11/2013

Đôi mắt già Gêu mỗi khi nhìn đàn cháu nhỏ đang tập đánh dàn chiêng của người Xê Đăng dường như trở nên long lanh hơn.

Ông nhớ về một thời mà những người dân trong buôn làng của ông vui vầy bên đống lửa cùng từng nhịp, từng tiếng chiêng vang lên trong những ngày hội của buôn mình lúc còn ở Dak Tô (Kon Tum).

Đội cồng chiêng Xê Đăng, xã Ea Uy biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng, dân ca, dân vũ, diễn tấu nhạc cụ dân tộc huyện Krông Pak - 2013.

Già Gêu năm nay cũng đã gần 65 tuổi, ông là một trong 15 thành viên của đội đánh chiêng Xê Đăng ở buôn Dak R’leang 1, xã Ea Uy (Krông Pak). Cũng như bao người dân tộc Xê Đăng ở xã Ea Uy, quê gốc của ông là ở huyện Dak Tô, tỉnh Kon Tum, vì chạy loạn chiến tranh mà sang đây làm ăn sinh sống. Già Gêu còn nhớ như in, ngôi nhà của ông ở buôn Kon Pao, xã Kon Đào và bố ông là đội trưởng đội đánh chiêng trong buôn. Hồi nhỏ, ông thường được bố vừa cõng trên vai vừa đánh chiêng là những hình ảnh khắc ghi mãi trong tâm khảm của ông về tiếng chiêng của đồng bào Xê Đăng. Rồi những tiết tấu, tiếng chiêng của bố ông cùng những người trong buôn hay đánh trong những buổi tập, những ngày lễ của buôn cứ thấm dần, thấm dần vào tâm hồn của ông. Bắt đầu đánh chiêng từ năm 12 tuổi, chỉ trong vòng năm năm, ông đã được tham gia đội đánh chiêng của buôn trong những ngày lễ hội. Thế rồi chiến tranh, Mỹ ngụy đàn áp buôn làng, ông cùng mọi người trong gia đình và đồng bào trong buôn chạy nạn sang Dak Lak. Ngày đó giữ được người đã thôi là may lắm rồi, nên những di sản cha ông để lại đều mất cả; cả nhà ông có 4 bộ chiêng: một bộ chiêng Lào quí, bộ 11 chiếc, bộ 8 chiếc và bộ dùng trong lễ hội đâm trâu giờ đây đã không còn. Già Gêu, cũng như nhiều người già trong buôn, vẫn còn nhớ như in những bài chiêng của dân tộc mình đánh trong những ngày lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới… Những thế hệ về sau cứ xa dần tiếng chiêng rồi không biết đến cồng chiêng là nỗi trăn trở khôn nguôi của già Gêu…

Năm 2007, với chủ trương gìn giữ và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, UBND xã Ea Uy bắt tay vào mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho đồng bào Êđê và Xê Đăng trên địa bàn. Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào trong xã, đặc biệt là của người Xê Đăng. Kinh tế còn khó khăn, nhưng khi được vận động, mỗi hộ đều cố gắng đóng góp từ 5.000 đến 10.000 đồng, những người làm kinh tế giỏi của xã hỗ trợ thêm cùng với kinh phí của UBND xã nên buôn đã mua được bộ chiêng 8 chiếc của người Xê Đăng với giá 6,7 triệu đồng tại Kon Tum. Đến năm 2008, bộ chiêng Xê Đăng tại xã mới bắt đầu hoạt động lại với 17 thành viên chủ yếu là những người lớn tuổi của buôn. Tập luyện nhiều, đi biểu diễn trên xã, huyện cũng nhiều, đội chiêng cũng giành nhiều giải thưởng về cho buôn, cho xã, nhưng đâu đó các thành viên trong đội chiêng vẫn còn nhiều nỗi lo, đó chính là việc truyền dạy cho lớp trẻ những tiếng chiêng của cha ông. Già Gêu tâm sự, những bài chiêng ngày xưa đã thấm vào “máu” của ông nhưng truyền đạt lại bây giờ khó quá, một mặt là cồng chiêng không còn được sử dụng nhiều như xưa, nên các em ít được tiếp xúc. Mặt khác, đội chiêng già thì ngày càng mai một, hồi mới thành lập đội có 17 người nhưng giờ chỉ còn 15, thành viên lớn nhất là già Roh năm nay đã 83 tuổi. Già Gêu trầm ngâm: “Mấy ông trong đội chiêng già này đã lớn tuổi cả rồi, nếu sau này mất thì không biết lấy ai trong buôn truyền dạy lại”.

Cuối hè năm 2013 vừa qua, lớp học đánh cồng chiêng do Sở VHTT&DL phối hợp với UBND xã mở và chính ông cùng già Nah đã giảng dạy cho 17 em trong buôn. Đây là lần đầu tiên lớp học đánh chiêng dành cho con cháu trong buôn được thành lập và cũng chính là niềm vui lớn nhất của ông cùng các thành viên trong đội chiêng già. Tuy bộ chiêng này cũng chưa đầy đủ (đủ trọn bộ là 11 chiếc) nhưng ông cũng đã phổ nhạc theo 8 chiếc chiêng hiện có để các em được học thật tốt. Được biết, UBND xã Ea Uy cũng xây dựng kế hoạch sẽ tổ chức sinh hoạt đánh cồng chiêng 1 lần/tháng tại nhà văn hóa cộng đồng dành cho các em để giúp các em được luyện tập những bài chiêng, cách đánh chiêng đã được học. Anh Lương Thái Vinh, cán bộ văn hóa - xã hội của xã Ea Uy cho biết, sang năm 2014, xã dự kiến sẽ mở thêm hai lớp trên quan điểm địa phương sẽ tự vận động nhưng rất mong muốn được sự giúp đỡ của Sở VHTT&DL. Khó khăn nữa là trang phục của người Xê Đăng trong buôn hầu như không còn nhiều. Do đó từ ngày phục hồi đội chiêng Xê Đăng, mỗi lần đi thi hội diễn, đều phải lên tới phố, đến những nơi có các cháu Xê Đăng học nội trú để mượn quần áo. Và điều già Gêu trăn trở, cũng là mong muốn của đồng bào Xê Đăng và những người có trách nhiệm ở xã Ea Uy làm sao mua được bộ chiêng đầy đủ 11 chiêng và gầy dựng lại không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào mình bằng các lễ hội truyền thống, để từ đó ông cùng các thành viên của đội chiêng Xê Đăng già này sẽ tiếp “lửa” cho con cháu gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa của cha ông, thông qua những tiếng cồng, tiếng chiêng thuở nào.

Hoàng Gia

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ