A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chàng thanh niên 9X đam mê đồ cổ

07:55 | 10/10/2015

Trần Hoàng Nam (SN 1994) ở Tổ dân phố 5, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) đam mê sưu tầm đồ cổ từ khi còn là học sinh cấp 2.

Đến nay, ngôi nhà của gia đình Nam chất đầy đồ cổ đủ các loại từ ti vi, máy ảnh, máy nghe nhạc, điện thoại, tiền cổ đến xe máy cổ…

Bước vào căn nhà của chàng thanh niên 9X này, nhiều người không khỏi choáng ngợp bởi từ phòng khách đến phòng ngủ đều chất đầy những thứ đồ cổ kỳ lạ. Ngay bên trái phòng khách là chiếc máy nghe nhạc vuông vắn đặt trong một cái tủ kính theo Nam giới thiệu là được sản xuất từ những năm đầu của thế kỷ 20, giờ vẫn chạy tốt. Phía bên phải là một chiếc máy hát khác có cái loa to, dài bằng đồng nối liền với bộ phận thu âm thanh từ đĩa than. Nam lắp đĩa, rồi lên dây cót, đĩa chạy, âm thanh của một bài vọng cổ được phát ra nghe rất thú vị. Ở phòng khách còn được xếp đầy những máy ảnh, máy quay phim, đồng hồ con gà, đồng hồ quả lắc, máy điện thoại… tất cả đều là đồ cổ. Trong phòng ngủ bày 2 chiếc ti vi nằm trong hai chiếc tủ gỗ sơn bóng loáng, có 4 chân gắn liền tủ; bên cạnh ti vi là hai chiếc máy nghe nhạc chạy bằng dây cót nằm gọn trong hai chiếc hộp như chiếc cặp số xách tay. Được biết đó là những chiếc máy nghe nhạc được sản xuất từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của giới thượng lưu phương Tây thường mang theo khi đi du lịch hay buôn bán…, Nam đã tìm mua lại từ dân chơi đồ cổ tại TP. Hồ Chí Minh cách đây 3 năm.

Nam bên máy nghe nhạc chạy bằng dây cót thu âm từ đĩa than.

Nam bên máy nghe nhạc chạy bằng dây cót thu âm từ đĩa than.

Để có được những món đồ cổ như vậy, những năm qua Nam đã lặn lội khắp các tỉnh thành trong cả nước để tìm mua. Đam mê nên biết ở đâu có món đồ cổ hay thì dù xa mấy cậu cũng lặn lội tìm mua. Năm 2013, biết ở Thái Nguyên có người bán chiếc ti vi đã lâu đời, Nam đã gom hết tiền, mượn thêm bạn bè rồi khoác ba lô vượt hơn ngàn cây số mua bằng được chiếc ti vi được sản xuất từ những năm 50 của thế kỷ trước, trông rất độc đáo. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng thành công, mua được món hàng ưng ý. Một lần nghe tin ở tỉnh Bắc Cạn có bán chiếc bàn là hình con gà, ham quá Nam cất công tìm đến nơi. Do chưa có kinh nghiệm, cậu vớ trúng hàng giả, mất tiền, mất thời gian nhưng đổi lại Nam có thêm kiến thức, bài học đắt giá… Có những chuyến đi phải lội bộ qua bao bản làng, đường đồi núi vất vả nhưng mua được những thứ quý hiếm thì bao mệt mỏi đã nhanh chóng qua đi.

Nam thường lên mạng hoặc nhờ các anh chị chơi đồ cổ đi trước tư vấn để tìm hiểu, xác định niên đại, giá trị của những món đồ cổ. Đến nay, sau nhiều năm sưu tầm, Nam có trong tay gần trăm món đồ cổ chia làm 3 nhóm: âm thanh cổ gồm: Máy nghe nhạc, ti vi, máy ảnh…; xe máy cổ với nhiều loại hiếm như: xe Honda Tas sản xuất từ những năm đầu của thế kỷ 20… Nam thường dùng xe Minsk để giao lưu với Câu lạc bộ xe Minsk Đắk Lắk tham gia công tác từ thiện hay đi dã ngoại. Nam còn sưu tầm tiền Việt Nam qua các thời đại gồm cả tiền giấy và đồng xu bởi cậu cho rằng mỗi một đồng tiền cổ là một bằng chứng sinh động cho từng giai đoạn lịch sử dân tộc.

Nam đã học xong Trung cấp cơ điện  và hiện ở nhà làm vườn giúp bố mẹ. Dù trong nhà đã tràn ngập sắc màu đồ cổ nhưng Nam cho hay cậu vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê sưu tầm của mình. “Sở thích ngấm vào tận trong máu em rồi. Bảo bỏ thứ gì cũng được chứ quyết không bỏ ước mơ sưu tầm đồ cổ của mình”, Nam khẳng định chắc nịch. Ông Trần Lưu Ngát, bố Nam, cho biết:  “Ở nhà Nam hiền lành, chịu khó giúp bố mẹ làm lụng. Lúc rảnh chẳng mấy khi Nam ở nhà mà thường lặn lội khắp nơi tìm đồ cổ, thỉnh thoảng lại đưa một món đồ cổ về”. 

Trung Hải - Huỳnh Thủy

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ