A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Từ chuyện 'ném đá ra đường' cho vui...

10:13 | 23/11/2015

Thời gian qua, liên tục xảy ra những vụ ném đá trên đường cao tốc, làm thiệt hại tài sản, làm cho người đi đường bất an khiến dư luận xã hội trăn trở.

Hành vi vô ý thức của trẻ thơ ở những vùng quê đã đành, nhưng không ít những hành vi cố ý, cố tình của người lớn lại là vấn đề rất băn khoăn. Yêu cầu xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại thì càng cần nâng cao trình độ dân trí, ý thức pháp luật, ý thức văn hóa, văn minh ở bất cứ đâu, ngay từ tuổi bé thơ.

Một xe khách bị ném vỡ kính khi đang lưu thông, gây nguy hiểm cho hành khách.

Chuyện hai cháu bé là anh em ruột ở xã Hữu Bằng (Kiến Thụy - Hải Phòng) lớn 12 tuổi, bé 8 tuổi dẫn nhau chơi trên cầu vượt. Và rồi, như các cháu nói, cứ gom đá trên cầu, cứ thấy xe qua là thả. Một kiểu “chơi” cũng rất hồn nhiên của trẻ.

Các em có biết đâu mình gây ra hậu qủa nghiêm trọng, khi các ô tô đang phóng với tốc độ trên một trăm km, thì một viên đá nhỏ rơi xuống, chưa nói đến ném xuống cũng chẳng khác gì một viên đạn. Không chỉ gây hư hại nặng cho các phương tiện với số tiền khắc phục hàng triệu, chục triệu mà đặc biệt dễ gây tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng con người.  

Sự việc như hai trẻ ở Hải Phòng “chơi” thì chỉ là chuyện rất vô tình, rất trẻ con. Vô tình, trẻ con như vậy, nhưng đã gây ra hậu quả. Hậu quả sẽ càng tăng, khi sự việc xảy ra bởi trẻ lớn, người lớn, nhất là khi không chỉ là sự vô tình mà cố tình. Oái oăm thay, hiện tượng này đã và vẫn xảy ra thường xuyên, ở mọi con đường cao tốc.

Không chỉ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới đưa vào thử nghiệm, mà những con đường như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 1, TP HCM - Trung Lương... đã thường xảy ra chuyện ném đá, thậm chí như đường Hà Nội- Lào Cai, đá ném còn như nắm tay...

Vấn đề đặt ra, vì sao hiện tượng ném đá lên tàu, lên xe cứ mãi xảy ra và tình trạng này lại càng gia tăng? Vấn đề cũng không phải là mới. Không kể những vụ việc tư thù, phá hoại, mà việc xảy ra không chỉ là cái sự nghịch vô tư của trẻ như hai đứa trẻ trên đây, hay thiếu hiểu biết, thiếu ý thức pháp luật như một số trường hợp khác, mà vô số các vụ việc người ta cố tình làm, cố tình ném... nhưng cũng chỉ để ném mà thôi. Ngay như một số thanh niên ở Thái Bình làm cả chông sắt rải ra đường để bẫy xe. Người ta thừa biết hậu quả... nhưng vẫn làm.

Rõ ràng, như một số chuyên gia nhận định, ý thức con người có lỗ hổng, giáo dục có vấn đề. Một thời chúng ta thiếu trường, thiếu lớp, các gia đình đông con, đời sống khó khăn, cha mẹ chưa đủ điều kiện để giáo dục các em, nhưng cũng có rất ít trường hợp cá biệt lêu lổng, hư hỏng, thiếu ý thức. Và rồi những việc làm của một số trẻ ngày ấy cũng chỉ là sự nghịch ngợm. Còn như ngày nay, hầu hết các em đều được đến trường, được các gia đình quan tâm chăm sóc.

Trẻ thơ được giáo dục ngay từ các trường mầm non, nhiều khi suốt ngày ở trường, thậm chí phải học thêm nhiều. Vì sao hai trẻ được bố mẹ coi là ngoan ở nhà, ở nhà trường là học sinh tiên tiến lại vô tư ở trên cầu vượt, vô tư thả đá xuống các xe chạy bên dưới, coi đây như một trò chơi? Các em liệu có nghĩ đến, nếu như viên đá kia rơi trúng đầu, trúng mắt của ai đó đang vô tình mở cửa xe ở bên dưới thì sẽ thế nào? Hoặc có nên chơi ở trên cầu vượt, thả tay ra ngoài lan can...khi tai nạn rất dễ xảy ra ngay cho với chính các em. Liệu có ai là người lớn thấy việc xảy ra lại không ngăn cản, khuyên răn?

Kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp... của con người rất cần được xây dựng, giáo dục ngay từ thuở còn thơ. Hành vi nào được phép làm, không được phép làm. Hành vi nào nên làm, không nên làm. Gia đình mà trước hết là bố mẹ phải có ý thức rèn giũa, giáo dục con cái mình. Tiếp đó là nhà trường, các thầy cô và cả xã hội với các quy tắc, quy định của pháp luật.

Ông cha ta từ xưa đã yêu cầu rất khắt khe trong việc dạy dỗ con người từ chuyện “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, ứng xử với nhau, nhất là khi còn nhỏ, “bé không vin, lớn gãy cành”.

Trên mạng xã hội, sách vở hiện đều lan truyền, phổ biến từng cách giáo dục, cách các ông bố, bà mẹ, ngay cả các vị nguyên thủ dạy con cái mình từ cách xưng hô, xin lỗi. Khi con người được giáo dục đầy đủ, sẽ không còn các hành vi không nên làm, không được phép làm.Ý thức sẽ được hình thành, rèn ngay từ tuổi còn thơ. Sẽ không có chuyện cứ vô tư vi phạm pháp luật như hiện nay, cả vô tình lẫn cố tình. Cả trẻ con lẫn người lớn.

Như trong lĩnh vực giao thông, không chỉ những chuyện như ném đá, mà cả việc ăn cắp vặt. Đến cái đinh ốc để gắn tôn lượn sóng trên đường cao tốc hay tấm bịt cột trụ, tấm phản quang báo hiệu cho làn đường cho xe về đêm cũng bị lấy cắp. Kẻ cắp không rõ vô ý hay cố tình ăn cắp những cái không đáng tiền ấy, nhưng đã và sẽ gây cho đồng loại những hậu quả khôn lường.

Giáo dục còn hổng là chuyện cần phải tìm mọi cách bổ khuyết dần dần. Ví như trẻ thơ vô tình, ngây thơ vi phạm thì có thể nhắc nhở, răn đe, sẽ nhanh chóng sửa chữa được. Còn với người lớn cố tình vi phạm thì việc sửa chữa thật không đơn giản, dễ dàng, không thể một sớm, một chiều.

Đặc biệt, với pháp luật còn hổng là vấn đề cần phải bổ khuyết ngay. Những hành vi dù vô tình, cố ý, đơn giản nhưng gây hậu quả lớn cần phải nghiêm trị, nhất là nghiêm trị để làm gương. Như việc ném đá lên xe, lên tàu không thể mãi xử lý hành chính, nhất là khi ai đó đã đủ năng lực kiểm soát hành vi nhưng lại cố tình.  

 Kiên Long

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ