A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh bằng đánh giá năng lực

09:07 | 04/02/2016

Từ tháng 1-2016 đã có rất nhiều trường đại học công bố phương thức tuyển sinh trên website của trường, cũng như các kênh thông tin đại chúng.

 Đặc biệt, trong mùa thi năm nay, sẽ không chỉ có ĐHQG Hà Nội sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, mà có thêm một số trường cũng đưa ra cách thức kiểm tra năng lực. 

Ảnh minh họa.

ĐHQG Hà Nội tiếp tục thi đánh giá năng lực 

Sau thành công của lần thử nghiệm đầu tiên bài thi đánh giá năng lực, năm nay, ĐHQG Hà Nội tiếp tục tiến hành thi theo hình thức này với một số cải tiến mới để hoàn thiện hơn, sàng lọc thí sinh tốt hơn. Ông Nguyễn Kim Sơn- Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, về cấu trúc đề thi năm 2016 sẽ không khác nhiều so với kỳ thi đầu tiên. 

Theo đó, bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội được chia thành các phần. Phần Tư duy định lượng Toán học  (80 phút) gồm Đại số, Hình học, Giải tích, Thống kê và xác suất sơ cấp. Phần tư duy định tính Ngữ văn (60 phút) là những dữ liệu liên quan nhiều lĩnh vực trong đời sống như Văn học, Ngôn ngữ (từ vựng – ngữ pháp), Văn hóa, Lịch sử, Địa lý. Phần tự chọn, thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung là tư duy định lượng (Kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Tư duy định tính (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). 

Dự kiến, trong năm 2016, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực 3 đợt, thay vì tổ chức 2 đợt như năm 2015. Để cải tiến, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ trên máy tính và công bố kết quả ngay sau kỳ thi. Nếu như bài thi đánh giá năng lực 2015 có tổng 140 điểm (tương ứng 140 câu hỏi) thì đề thi năm 2016 sẽ phân hai loại rõ rệt: Câu khó chiếm số điểm cao, câu dễ điểm thấp.

Hiện nay, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội được 7 trường, 5 khoa (thuộc hệ thống ĐHQG Hà Nội) công nhận và sử dụng. Trong kỳ thi 2016, trường đã có công văn đồng ý cho một số trường đại học ngoài hệ thống sử dụng kết quả đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh.

Nhiều trường ủng hộ

Cũng trong đầu tháng 1, ĐH Luật TP.HCM đưa ra dự kiến tuyển sinh 2016. Theo đó nhà trường thống nhất sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực. Trường tiến hành tuyển sinh qua 2 bước (bước 1 xét tuyển, bước 2 kiểm tra năng lực) với 3 tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).

Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào trường theo từng ngành. Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển mới được tham gia làm bài kiểm tra năng lực ở bước 2. Nội dung kiểm tra liên quan đến bốn nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); kiến thức về pháp luật; và tư duy logic, khả năng lập luận của thí sinh.

Bên cạnh ĐH Luật TP.HCM, ĐH FPT cũng đã nhiều năm tuyển sinh theo hình thức này thông qua bài viết luận và thi trắc nghiệm. Trong năm 2016, nhà trường dự kiến đổi mới hình thức thi với 100% thí sinh làm bài trên máy tính. Theo lãnh đạo nhà trường, đây cũng là hình thức thi tuyển phù hợp với xu hướng tin học hóa đang ngày càng phát triển trong giáo dục Việt Nam.

Về nội dung bài thi, thí sinh sẽ phải đáp ứng: Đánh giá năng lực phổ thông nền tảng, có liên quan ngành học đăng ký dự thi; Đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan ngành học sẽ được đào tạo; Đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh đã hoàn thành chương trình trung học.

Là những trường đã có kinh nghiệm tuyến sinh bằng bài thi Đánh giá năng lực, trên website của ĐHQG Hà Nội và ĐH FPT đều đã đăng tải đề thi mẫu và hướng dẫn làm bài để thí sinh có thể vận dụng thông thạo nhất. Trong đó có nhiều câu gỏi thu hút sự quan tâm của xã hội, khi đưa ra những vấn đề thời sự, sát thực tế, tạo hứng thú cho thí sinh. 

Đánh giá về bài thi Đánh giá năng lực, các thí sinh đã từng dự thi đều cho rằng, kiến thức trong bài thi rộng, không quá khó nhưng đòi hỏi sự vận dụng thực tiễn cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều kiến thức không có trong sách giáo khoa để học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân. Để thực hiện tốt bài thi, lãnh đạo trường ĐHQG Hà Nội khuyên rằng: Học sinh cần học đều và đủ năng lực cần có. Đề thi 140 câu được thiết kế tỷ lệ khó chỉ 20% còn lại dễ và trung bình. Dù là khối C hay D, thí sinh phải đủ năng lực trung bình để đáp ứng tư duy định lượng (về tự nhiên).   

 Phương Linh

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ