A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tìm lợi thế trong biến đổi khí hậu

10:07 | 27/06/2016

Hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ thời gian qua cho thấy mức độ tàn phá ghê gớm của biến đổi khí hậu (BĐKH).

 Tại phiên họp lần thứ 7 Ủy ban quốc gia về BĐKH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc ứng phó phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời phải vừa chủ động thích nghi, vừa ứng phó hiệu quả.

Người dân sống trong vùng xâm nhập mặn ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng)
vui mừng khi được ngành nông nghiệp cấp nước sạch dùng miễn phí.

Nhận diện

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2015, BĐKH tại nước ta diễn biến phức tạp. Mùa hè, nhiều địa phương trên cả nước có nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 40 độ C.

Nhưng ngược lại, tại Sa Pa (Lào Cai) ngay giữa mùa hè có ngày nhiệt độ lại xuống tới 12,6 độ C. Ảnh hưởng của BĐKH tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2015, ước tính thiên tai đã làm 154 người chết, hơn 445.000 ha diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng. Đó là câu chuyện của năm 2015. Năm 2016, tác động của BĐKH còn dữ dội hơn nhiều.

Những diễn biến khốc liệt của BĐKH trong nửa đầu năm 2016 thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông khẩn cấp. Tại cuộc họp lần thứ 7 Ủy ban quốc gia về BĐKH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tới nay Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành trên 300 văn bản quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến BĐKH.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng chúng ta chưa chủ động trước xu hướng bất thường, cực đoan khi hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt. Cơ chế điều phối giải quyết vấn đề liên ngành, liên vùng còn bất cập. Nguồn lực cho ứng phó BĐKH hạn chế, phân tán, dàn trải, còn tình trạng “nóng đâu phủi đó”.

Thủ tướng cũng nêu rõ, cần nhận thức sâu sắc rằng kinh tế - xã hội - môi trường là tam giác phát triển. Trong đó môi trường là một trục phát triển. Thủ tướng cũng lưu ý, phải có biện pháp khắc phục hậu quả xâm nhập mặn, hạn hán để có biện pháp xử lý, chứ không chỉ “giải quyết một ít gạo, nước là xong”.

Thích nghi để biến thành lợi thế

Mới đây, tại Hội thảo “Biến đổi khí hậu: Tác động và ứng phó”, do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp với Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội, Đại học Illinois Hoa Kỳ và Viện Bảo tàng tổng hợp quốc tế tổ phối hợp tổ chức, TS.

Nguyễn Văn Nội- Hiệu trưởng Trường ĐH Tự nhiên nhấn mạnh: Chúng ta có thể tận dụng những cơ hội và chuyển hóa những thách thức từ biến đổi khí hậu để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Một ví dụ rất sinh động đó chính là mùa lũ ở ĐBSCL. Trước đây, đã không ít ý định cải tạo thiên nhiên, tránh lũ bằng nhiều cách. Nhưng vài năm trở lại đây, lũ không về, người ta không chỉ “nhớ” lũ mà còn nhận thấy sự thiệt hại to lớn đối với vựa lúa, vựa cá của đất nước.

Như vậy rõ ràng là khi lũ cuồn cuộn đổ về, nước ngập lênh láng đã đem đến nhiều khó khăn cho sinh hoạt của người dân, nhưng khi người dân biết lợi dụng nguồn nước giàu phù sa, tôm cá thì sự bất lợi lại biến thành lợi nhuận.

Tới nay, ĐBSCL phải chịu tác động kép từ việc cường độ dòng chảy của sông Mekong và tình trạng nước biển dâng dẫn đến xâm nhập mặn do BĐKH. Đây là thách thức lớn cho khu vực vốn dĩ rất giàu có do thiên nhiên ưu đãi. Đứng trước thách thức, không thể buông tay chấp nhận, quan trọng là phải tìm ra lối thoát.  

Là người lạc quan, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, thảm họa mặn, hạn ở miền Tây Nam Bộ có thể trở thành cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững. Ông cho rằng “mặn là bạn tốt” để từ đó giúp người dân chọn hướng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi bền vững tại chính vùng nhiễm mặn: đó là hệ thống lúa - tôm, lúa - cá và vườn cây ăn trái sẽ thay đổi để phù hợp với BĐKH.

Nhắc lại Quyết định 899/QĐ-TTg của Chính phủ cho phép tái cơ cấu ngành nông nghiệp, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng các địa phương không có nước ngọt trong mùa nắng vẫn tiếp tục chỉ đạo dân trồng lúa, khi hạn hán ngày càng gay gắt, nguồn nước ngọt không về đủ, nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền đã giết hại lúa. “Mưa bão, ngập lụt, hạn hán là thiên tai không ai muốn.

Có rất nhiều lý do mà các cấp thẩm quyền đã nêu, nhưng thực tế nhất là thiên nhiên đã và đang phạt những ai cố trồng lúa trong điều kiện không thích hợp - tức là trong mùa không nước ngọt tại vùng mặn”- GS. Võ Tòng Xuân nói. Ông cũng lưu ý rằng, phần lớn tin tức xâm nhập mặn chỉ nói đến khía cạnh cây lúa, khiến dư luận xem nước mặn là kẻ thù mọi người phải chống, bằng mọi cách. Nhưng tại sao lại không lợi dụng nước mặn để nuôi thả những loài thủy sản phù hợp, giá trị kinh tế cao?

Theo GS Võ Tòng Xuân, hướng phát triển bền vững cho vùng mặn ĐBSCL là trồng 2 vụ Đông - Xuân và Hè - Thu, để mùa lũ tự nhiên cho khai thác thủy sản thiên nhiên. “Tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, nên chỉ trồng một vụ lúa trong mùa mưa.

Khi dứt mưa, thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua… đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn.

Như thế chúng ta không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém để cố trồng thêm vụ lúa”- GS Võ Tòng Xuân nói. Ông cũng nói thêm rằng nếu bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để chống ngập mặn thì chỉ tội nghiệp cho hàng trăm ngàn nông dân mất cơ hội làm bạn với nước mặn để nuôi tôm tăng lợi tức, thay vì chịu số phận nghèo mãi vì trồng lúa.        

N.Quang

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ