A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Buôn làng vắng tiếng chiêng ngân

10:05 | 25/03/2017

Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao (huyện Krông Bông- Đắk Lắk) là 3 xã căn cứ cách mạng. Nhà sàn, bến nước, rượu cần, cồng chiêng, lễ hội… là “đặc sản” tinh thần của đồng bào dưới chân dãy Cư Yang Sin hùng vĩ.

Thỉnh thoảng vợ chồng Ama Thiếu ở buôn Chàm A, xã Cư Đrăm lại đem bộ chiêng ra ngắm.

Tuy nhiên những năm gần đây, một số lễ hội, lễ cúng dần bị mai một, tiếng cồng, tiếng chiêng đã thưa dần, ít vang lên trong lễ cúng của các gia đình trong buôn làng. Buôn Chàm A (xã Cư Đrăm) có 113 hộ người dân tộc Ê Đê. Trước đây mỗi gia đình thường có một bộ chiêng. Cứ vài ngày, tiếng chiêng lại vang lên báo hiệu có gia đình trong buôn làm lễ. Nhà này cúng về nhà mới, cúng mừng thọ, nhà kia cúng cầu mưa, cúng mừng lúa mới…

Tất cả đều có tiếng chiêng, chóe rượu cần. Giờ cả buôn chỉ còn khoảng 4 bộ chiêng nhưng cả năm có khi cũng không dùng đến. Buôn chỉ tổ chức đánh chiêng vào lễ cúng bến nước vào dịp cuối năm. Buồn thay, dàn chiêng thì đủ bộ nhưng trong buôn chỉ còn vài ba người lớn tuổi biết đánh chiêng. Vì vậy khi cúng phải mời thêm nghệ nhân ở buôn khác về đánh chiêng cho đủ bộ. 

Già làng Ama Thiếu ở buôn Chàm A chia sẻ: “Lớp trẻ trong buôn bây giờ không ai biết đánh cồng, đánh chiêng. Họ không tập mà cũng chẳng còn mặn mà với nhạc cụ truyền thống. Mình mong muốn chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức mở lớp truyền dạy đánh chiêng cho lớp trẻ để họ có thể đánh được trong các lễ cúng của buôn”.

Ông Ama Khoa ở buôn M’nơng Dơng (xã Yang Mao) vừa tổ chức mừng thọ nhưng cũng không mời nghệ nhân đến đánh chiêng cho dù gia đình cũng có một bộ chiêng đầy đủ. Ama Khoa cho biết: “Trước đây người trong buôn có việc là tổ chức lễ cúng. Họ thường làm bò, làm heo hay làm gà, mời mọi người đến đánh chiêng, uống rượu cần. Mấy năm gần đây người dân trong buôn ít cúng không phải vì kinh tế mà thiếu người đánh chiêng. Vừa qua mình mừng thọ 70 tuổi nhưng cũng không tổ chức lễ cúng”.

 Văn hóa cồng chiêng ở các buôn đồng bào vùng sâu của huyện Krông Bông đang có nguy cơ bị mai một nếu không sớm có những giải pháp để khôi phục, bảo tồn. Song đến nay mới chỉ có xã Cư Pui vào cuộc. Hàng năm xã Cư Pui tổ chức hội thi văn hóa cồng chiêng cấp xã cho 5 buôn đồng bào Ê Đê, M’nông; đầu tư kinh phí cho các buôn tổ chức một số lễ cúng cuối năm; mở lớp dạy cồng chiêng cho lớp trẻ; phối hợp với phòng Văn hóa- Thông tin phục dựng lại một số lễ cúng truyền thống…

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, là người tâm huyết và luôn trăn trở với việc bảo tồn nét đẹp văn hóa cồng chiêng của người dân tộc tại chỗ trên địa bàn xã, chia sẻ: “Dù khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên để cồng chiêng quay lại với đồng bào cần phải có thời gian, đặc biệt những người trong cuộc phải thực sự tâm huyết”. Để khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng ở các buôn đồng bào Ê Đê, M’nông vùng sâu, vùng xa là bài toán khó, đang rất cần sự vào cuộc của những nghệ nhân, già làng, trưởng buôn, cán bộ văn hóa… ông Tâm chia sẻ.    

Tùng Lâm

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ