A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Áp lực lớn khi không tham gia bảo hiểm y tế

14:54 | 28/06/2017

Mặc dù Thông tư số 02 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh,...

...chữa bệnh của Nhà nước đã được xem xét không áp dụng với tất cả các bệnh viện trên toàn quốc để tránh lạm phát, tuy nhiên, việc 50 bệnh viện chính thức áp giá viện phí mới cũng đã gây áp lực khá lớn cho người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)Nhiều thủ thuật đã được được điều chỉnh tăng giá 20-30%

Áp giá viện phí mới đang là nỗi lo với người dân không tham gia BHYT. (Ảnh: TL).

Từ ngày 1/6, chính thức có khoảng 50 bệnh viện áp dụng giá viện phí mới với người chưa có thẻ BHYT. Mức giá này vốn đã được áp dụng cho bệnh nhân có thẻ BHYT trước đó, nay cả hai đối tượng này giá đều tương đương, chỉ khác nhau cách thức chi trả tiền túi hoặc Quỹ BHYT.

Giá viện phí mới cho bệnh nhân không có thẻ BHYT có tính thêm chi phí tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/QĐ-TTg). Do đó, sau khi tăng giá dịch vụ y tế thì tổng chi phí khi KCB với người tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10%.

Theo đó, hơn 1.900 dịch vụ y tế được quy định mức trần mới, tương đương với giá mà bảo hiểm y tế đang chi trả theo các hạng bệnh viện. Cụ thể: Mức giá khám bệnh được quy định từ 29 – 39.000 đồng theo từng hạng bệnh viện từ trạm y tế xã đến bệnh viện hạng đặc biệt. Ngày giường điều trị nội khoa cũng được quy định mức giá theo khung tối đa theo từng hạng bệnh viện. Theo đó, ngày điều trị Hồi sức tích cực có mức giá từ 568.000 – 677.000 theo hạng bệnh viện từ hạng 2 đến hạng đặc biệt; Ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc từ 266.000 – 362.000 đồng tùy hạng bệnh viện…

Các loại ngày giường khác đều được quy định chi tiết mức giá, từ giường loại 1, loại 2 ở các khoa, phòng, các hạng bệnh viện khác nhau. Giá ngày giường được tính mỗi người trên một giường. Bệnh nhân nằm ghép hai người một giường được tính giá tối đa 50%, nằm ghép từ 3 trở lên trả tối đa 30% giá. Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp tạm thời áp dụng mức giá ngày giường như nằm ghép 2.

Ngoài ra một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành, trong đó, có những dịch vụ có chi phí rất cao. Ví dụ với chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng. Đây sẽ là áp lực rất lớn với người dân không tham gia BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc áp dụng tăng giá viện phí với người không có thẻ BHYT sẽ không đồng loạt mà theo lộ trình. Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống. Sau khi khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành điều chỉnh tăng giá viện phí, đến tháng 8 khoảng 30 tỉnh thực hiện viện phí mới; 15 tỉnh thành áp dụng vào tháng 10 và 18 tỉnh thành còn lại áp dụng vào tháng 12/2017.

Khuyến khích người dân mua thẻ BHYT

Theo Bộ Y tế,  theo khung giá viện phí mới này, có một số dịch vụ có chi phí rất cao,  mức giá này là tương đương giữa nhóm có BHYT và không có BHYT. Việc điều chỉnh giá cho nhóm đối tượng này để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí cho bệnh viện, khuyến khích người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT. Ví dụ như với dịch vụ PET/CT chi phí rất đắt đỏ, nếu người bệnh có BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán một phần theo quy định, sẽ bớt đi gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh, chi phí thanh toán này có thể lên tới 80%.

Ngay với chi phí giường bệnh, việc nằm hồi sức tích cực hàng vài chục ngày sẽ đội lên chi phí “khủng” với người bệnh không có BHYT. Khi có thẻ BHYT, người bệnh được thanh toán theo mức mà BHYT quy định.

Ngoài ra, thông tư này cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả như: dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ... Với những dịch vụ này, người có thẻ BHYT vẫn áp giá như người không có thẻ BHYT bởi các dịch vụ này chưa được Quỹ BHYT chi trả.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, hiện nay số dân tham gia BHYT đạt 81% dân số. 20% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, phần lớn là những người có mức sống trung bình trở lên nên việc điều chỉnh sẽ giúp người dân thấy lợi ích của BHYT để tham gia để tránh những gánh nặng tài chính khi không may ốm đau. Việt Nam là một trong những nước có mệnh giá thẻ BHYT ở mức thấp (khoảng trên 600 nghìn/năm) nhưng người tham gia BHYT được quyền lợi cao. Rất nhiều bệnh nhân nặng về tim mạch, ung bướu, bệnh nhân hồi sức tích cực được BHYT chi trả vài trăm triệu đồng. Chi phí này sẽ là rất khó khăn với người không tham gia BHYT, tự bỏ tiền túi ra chi trả dịch vụ.  

 Duy Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ