A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tăng cường quyền tiếp cận thông tin cho đối tượng yếu thế

13:25 | 18/07/2018

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Luật Tiếp cận thông tin đã luật hóa quyền tiếp cận thông tin - một trong những quyền cơ bản của con người.

Đây được xem là giải pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự minh bạch thông tin nói chung và thu hẹp khoảng cách về thông tin đối với các đối tượng yếu thế. 

Người khuyết tật được tiếp cận được thông tin sẽ giúp họ hòa nhập nhanh hơn.

Song để các đối tượng này có thể tiếp cận thông tin, đảm bảo quyền thông tin của mình, Nhà nước cần phải có các chính sách, cơ chế xóa bỏ những rào cản về thông tin; khuyến khích đầu tư, ứng dụng phát triển CNTT dành cho nhóm đối tượng yếu thế.

Nhiều khoảng trống

Là đối tượng yếu thế rất cần nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt là việc tạo điều kiện để họ tiếp cận thông tin, nhưng theo kết quả tham vấn về quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật (NKT) tại 4 nhóm ở Hà Nội do Trung tâm Tư vấn hỗ trợ hòa nhập NKT TP Hà Nội (ICC) thực hiện cho thấy, có đến 85% NKT chưa biết đến quyền tiếp cận thông tin và chỉ 23% NKT cho biết được đáp ứng về thông tin- trong khi nhu cầu thông tin của đối tượng này là 92%.

Đối với nhóm dân tộc thiểu số (DTTS), khảo sát năm 2017 của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, ở 5 xã thuộc Cao Bằng, Bắc Kạn và Điện Biên cũng chỉ ra rằng, dù người dân ở 5 xã này đều hài lòng với thông tin về giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội, song lại ít hài lòng hơn với thông tin về luật pháp, chính sách và các vấn đề xã hội vì cho rằng các thông tin này tuy có nhưng không đầy đủ, không cập nhật và không thường xuyên. Đáng chú ý, mức độ hài lòng giảm xuống thấp nhất đối với nhóm thông tin được cho là liên quan mật thiết nhất đến đời sống hàng ngày như thông tin về phát triển kinh tế, thị trường nông nghiệp, các chương trình cho vay, chương trình khuyến nông. Khảo sát cũng phát hiện ra hầu hết những thông tin do chính quyền địa phương cung cấp mới mang tính một chiều và còn hạn chế về hình thức và kênh chuyển tải, do đó hiệu quả thông tin chưa cao.

Đánh giá về những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin của người khiếm thính, Phó Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội Đỗ Hoàng Thái Anh cho biết, hiện chưa có hệ thống ngôn ngữ kí hiệu thống nhất trong cả nước, mỗi vùng miền sử dụng một loại ngôn ngữ khác nhau, người khiếm thính hiện vẫn chưa học qua các lớp ngôn ngữ, kí hiệu mà chỉ giao tiếp với nhau qua ngôn ngữ tự phát trong cộng đồng. Chính vì vậy đa phần người khiếm thính lấy thông tin qua bố mẹ, người thân và luôn gặp trở ngại về giao tiếp, như không đọc được văn bản, sách vở nếu không được dịch ra ngôn ngữ, kí hiệu vì thế thông tin rất ít.

Cần có cơ chế giám sát    

Từ thực trạng trên, Luật Tiếp cận thông tin, đặc biệt Nghị định 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin đã đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ cung cấp thông tin cho một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người khuyết tật và đồng bào DTTS.

Đây là một bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm luật đến được với rộng rãi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật và đồng bào DTTS. Đánh giá việc ban hành chính sách trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để các đối tượng yếu thế có thể tiếp cận thông tin, đảm bảo quyền thông tin của mình, Nhà nước cần phải có các chính sách, cơ chế xóa bỏ những rào cản về thông tin; khuyến khích đầu tư, ứng dụng phát triển CNTT dành cho nhóm đối tượng yếu thế. Trong đó cần phải có những chế tài xử lý kiên quyết, mạnh tay đối với những cơ quan, tổ chức không triển khai việc cung cấp cũng như không tạo điều kiện cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, rất cần đẩy mạnh xã hội hóa tăng cường nguồn lực giúp NKT có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ở góc độ khác, chuyên gia của Tổ chức Oxfam Phạm Quang Tú cho rằng, cần có cơ chế giám sát để bảo đảm các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin, chứ không chỉ dừng lại ở việc “tạo điều kiện” cho họ trong tiếp cận thông tin. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần nâng chất lượng thông tin, “nói những điều dân cần”. Cùng với đó, trong quá trình thông tin cũng cần tính đến các điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương, nhất là đối với những vùng tỉ lệ người biết tiếng phổ thông ít, chưa thông thạo tiếng phổ thông. Có như vậy, người DTTS, người khuyết tật mới thực sự được tiếp cận những thông tin hữu ích để từ đó họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng nhanh hơn.

Khanh Lê

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ