A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phong bì...

08:01 | 20/08/2014

Mới đây, khi ngồi chờ khám bệnh tại khoa khám ở một bệnh viện tuyến tỉnh, tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện của 2 sản phụ chuẩn bị “lâm bồn” xoay quanh việc đưa phong bì cho bác sĩ thế nào cho hợp lý.

Một sản phụ hỏi: “Em theo bác sĩ nào?”, người kia trả lời: “Bác sĩ A. chị ạ, mà em chưa biết phải cảm ơn thế nào nữa!? Chị thì sao?”. “Chị theo bác sĩ B., đứa trước và đứa này đều ổng mổ. Đưa phong bì thì cứ theo “giá làng” thôi em, nghe đâu bây giờ sinh thường thì một triệu còn sinh mổ hai triệu, ai có điều kiện hơn thì tùy” - sản phụ nọ đáp. Người kia chặc lưỡi: “Em sinh thường chắc chỉ đưa một triệu thôi chứ không đua với người ta được”… Chắp nối câu chuyện này với những câu chuyện tương tự được nghe từ bạn bè của tôi cho thấy, trong bệnh viện khái niệm về cái gọi là “phong bì lót tay” cho y bác sĩ đã “mọc rễ” sâu vào nhận thức, đến nỗi nhiều người tự ngỡ rằng không đưa phong bì cho bác sĩ thì mình sẽ không được chăm sóc chu đáo! Lý giải về nguyên nhân của tình trạng y bác sĩ nhận phong bì, có ý kiến cho rằng đó là do lương cán bộ nhân viên y tế thấp nên buộc phải nhận tiền “cảm ơn” của bệnh nhân. Thậm chí một số người, trong đó có cả nhân viên ngành Y lại cho rằng, chính người bệnh và người nhà bệnh nhân thường xuyên đưa phong bì nên mới “làm hư” bác sĩ! Song, nhìn nhận trên thực tế, đó chỉ là cách nói ngụy biện, còn cốt lõi của vấn đề chính là sự suy thoái về y đức của y bác sĩ và nhân viên y tế. Bởi, nếu y bác sĩ, nhân viên y tế không đối xử thiếu công bằng giữa những người bệnh thì làm gì có chuyện người bệnh phải “học” lẫn nhau để đưa “phong bì lót tay” nhằm mua sự quan tâm?

Có thể thấy, “phong bì lót tay” cho y bác sĩ lâu nay đã trở thành “luật bất thành văn” tại nhiều bệnh viện. Và để dẹp "nạn" phong bì này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 176 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 31-12-2013. Theo đó, hành vi đưa nhận, môi giới hối lộ trong khám chữa bệnh, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này, như đề ra hình thức kỷ luật, phạt hành chính, thu hồi giấy phép hành nghề của cán bộ, nhân viên y tế vi phạm, nhận hối lộ của người bệnh; tăng cường vai trò của người đứng đầu đơn vị đối với vấn đề tiêu cực trong bệnh viện; thiết lập đường dây nóng ở các bệnh viện để bệnh nhân phản ánh khi có vụ việc tiêu cực xảy ra… Rõ ràng, khi đưa ra những quy định, giải pháp này, Chính phủ cũng như ngành Y tế hướng đến mục tiêu nhằm loại bỏ được tình trạng đưa và nhận phong bì trong bệnh viện, song đó mới chỉ là… mục tiêu, bởi vấn nạn này vẫn chưa có điểm dừng, những giải pháp đưa ra ở trên chỉ giải quyết được một vài vụ việc cụ thể chứ không thay đổi được cục diện của vấn đề. Thiết nghĩ, “kháng sinh” để trị căn bệnh “phong bì” trong bệnh viện không đơn thuần là chuyện phạt tiền, giám sát nhân viên, mà sâu xa hơn là việc thường xuyên sinh hoạt, giáo dục nâng cao y đức để tự bản thân mỗi nhân viên ngành Y nói “không” với phong bì bằng chính lương tâm và y đức của mình.

Kim Oanh

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ