A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lá trầu phương thuốc hàng đầu

14:06 | 07/05/2015

“Miếng trầu là đầu câu chuyện” cho thấy trầu không quan trọng và quen thuộc với mỗi gia đình người Việt với tục ăn trầu đỏ môi. Không chỉ có vậy lá trầu còn được dùng như vị thuốc dân gian trị nhiều bệnh thường gặp.

Nguồn gốc và thành phần

Theo y học cổ truyền, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.

Còn gọi là trầu, thược tương, mô-lu (Campuchia), hruè êhang (Buôn Mê Thuột). Tên khoa học Piper betle L.(Piper siriboa L.) thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae. Trầu không là một loại cây mọc leo, thân nhẵn, sống lâu năm, với các lá hình trái tim có mặt bóng và các hoa đuôi sóc màu trắng, có thể cao tới 1m.

Loài này có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á và được trồng ở Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam, Malaysia. Lá trầu không loại tốt nhất thuộc về giống “Magahi” (từ vùng Magadha) sinh trưởng ở gần Patna tại Bihar, Ấn Độ.


Ở Việt Nam có hai loại trầu, đó là trầu mỡ và trầu quế, lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, nhỏ lá, được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

Nhiều nghiên cứu gần đây còn cho biết lá trầu không còn chứa cả chất tanin, đường, điataza và tinh dầu. Trong 100g lá trầu không chứa tới 2,4% tinh dầu. Tinh dầu của lá trầu có màu vàng nhạt, hương thơm nồng, khi nếm có vị nóng và cay. Các thành phần chính của tinh dầu trầu không thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau và có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, trực khuẩn lỵ… có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm. Hàm lượng khoáng chất và vitamin chủ yếu là canxi, caroten, thiamin, riboflavin, niacin và vitamin C.

Trầu không công dụng tốt

 

Không chỉ trong y học Việt Nam mà trong y học Ayurveda, lá trầu không còn được sử dụng như là thuốc kích dục. Tại Thái Lan và Trung Quốc, lá trầu được dùng để làm dịu bệnh đau răng. Tại Indonesia chúng được uống như một loại trà và sử dụng như là thuốc kháng sinh. Với Malaysia, loại lá này được sử dụng để điều trị chứng đau đầu, viêm khớp và các thương tổn khớp.

 

Với các thành phần trên, lá trầu không có tác dụng rất tốt trong việc điều trị một số bệnh. Một số bài thuốc dân gian theo kinh nghiệm từ lá trầu không sẽ giúp bạn tham khảo và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên ở một số trường hợp nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi thực hiện để đạt được kết quả cao nhất.

 

Chữa nhức đầu: Rửa sạch 5 lá trầu, giã dập rồi xoa vào thái dương hay đỉnh đầu. Cách này giúp giảm đau và làm dịu cơn nhức đầu hiệu quả.

Trị đau nhức, cảm cúm: Nhúng 5 lá trầu không vào rượu đánh cảm. Các triệu chứng cảm cúm, đau nhức xương sẽ giảm. Hơ nóng lá trầu không đắp vào thắt lưng hoặc trộn nước cốt trầu với dầu dừa rồi đắp vào thắt lưng. Cách này giúp giảm đau lưng nhanh chóng.

Bỏng nước sôi: Hơ nhẹ lá trầu không rồi phết một lớp thầu dầu, sau đó đặt nhẹ lên vết bỏng. Thay lá sau vài giờ. Thực hiện vài lần dịch trong vết bỏng sẽ tiêu hết, chỗ rộp không gây mủ, mọng nước. Tối đắp lá và sáng thay là thích hợp nhất.

Sát khuẩn vết thương: Vắt nước trầu không rửa vết thương và dùng lá trầu sạch đắp lên vết thương, băng lại, hoặc cũng có thể nấu nước lá trầu không và rửa vết thương hàng ngày với loại nước này.

Chữa viêm họng, hôi miệng: Rửa sạch 5 lá trầu không, giã nát, chắt lấy nước, thêm mật ong vào, ngậm hoặc nuốt từ từ, chứng viêm họng sẽ giảm đáng kể. Nhai lá trầu không có thể đánh bay mùi hôi miệng. Chúng còn góp phần làm dịu các cơn đau răng. Tuy nhiên, bạn đừng quên đánh răng sau khi nhai lá trầu không. Ngoài ra, cũng có thể đun sôi lá trong nước rồi lọc lấy nước súc miệng hàng ngày để giữ vệ sinh cho răng miệng và giúp hơi thở luôn thơm mát.

Thông tia sữa: Khi sản phụ bị cương sữa, hãy lấy lá trầu không hơ nóng bầu vú để sữa xuống nhanh, giảm triệu chứng đau nhức.

Bệnh đái dắt: Pha nước cốt trầu không chung với sữa loãng và chút đường. Uống hỗn hợp này sẽ giúp chữa được chứng đái dắt.

Lở loét, mụn nhọt, nước ăn chân: Cắt nhỏ 3 lá trầu không và cho vào cốc nhỏ. Đổ nước sôi vào ngập lá trầu như pha trà và để khoảng 15 phút. Sau đó, dùng nước này rửa lên các vết loét, mụn nhọt. Thực hiện ngày 2 - 3 lần. Lấy 8g lá trầu không, 50g lá ráy thái nhỏ, đổ ngập nước, đun sôi để nguội rồi ngâm chân. Bạn cũng có thể đun sôi 1 nắm lá trầu không rồi ngâm chân chữa nước ăn chân.

Suy nhược thần kinh: Hòa 1 thìa mật ong với nước cốt vài lá trầu không, chia làm 2 lần, uống trong ngày.

Bệnh về phổi: Lấy lá trầu không tẩm dầu mù tạt rồi hơ ấm, đặt lên ngực day nhẹ. Cách này giúp giảm ho và dễ thở.

Chữa chứng ngứa, viêm nhiễm vùng kín: Vò nát lá trầu không tươi, thêm một chút muối, đun sôi với nước rồi ngồi xông vùng kín. Đồng thời, nước lá trầu không để nguội và dùng rửa ngoài để chống viêm, chống ngứa rất hiệu quả.

Táo bón: Đối với trường hợp táo bón ở trẻ, một viên đạn đút hậu môn làm từ lá trầu không ngâm trong dung dịch thầu dầu sẽ kích thích trực tràng co bóp, hết táo bón.

 

Trị nám da bằng lá trầu không là phương pháp điều trị cũng được khá nhiều chị em áp dụng. Rửa sạch lá trầu không, cho lá vào nồi đun sôi khoảng 30 phút. Vớt lá trầu không cho vào xay sinh tố. Cho thêm chút nước luộc lá vào cùng để xay thật nhuyễn. Bỏ lá trầu không đã được xay thật nhuyễn và nồi nước lá trầu không rồi tiếp tục đun nhỏ lửa cho đến khi lá trầu được cô đặc sền sệt. Cho hỗn hợp vào tủ lạnh, đậy kín. Mỗi khi dùng lấy ra một ít bôi lên mặt khoảng 20 phút rồi rửa sạch mặt. Thực hiện đều đặn hàng ngày đến khi nám được làm mờ.

 

Hồng Nhung

    nguồn: langvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ