A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nét độc đáo bánh chưng đen ngày tết của người Yên Bái

10:08 | 31/12/2015

Mường Lò, mảnh đất của gạo trắng nước trong không chỉ có bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo mà còn ẩn chứa nét sinh hoạt ẩm thực phong phú....

... Du khách khi đến Mường Lò sẽ có dịp được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon mang đậm hương sắc núi rừng. Một trong số đó không thể không kể đến bánh chưng đen hay còn gọi là khẩu tổm

Bánh chưng là món ăn dân tộc không thể thiếu cho ngày Tết của người Kinh, nhưng ở Yên Bái, người Thái Mường Lò tạo ra một loại bánh ngon và độc đáo, hương vị đều rất lạ do bàn tay người Thái làm ra từ nhiều đời nay đó là bánh chưng đen.

Bánh trưng đen được gói giống bánh trưng của người Kinh nhưng theo hình tròn

 Bà con gói bánh chưng đen để cúng tổ tiên ngày tết.

Mường Lò - mảnh đất của “gạo trắng, nước trong”, nơi có những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cỏm, khăn piêu không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng. Một trong những món ăn ngon ngày tết mang đặc trưng riêng của người Thái Mường Lò là bánh chưng đen.

Người Thái làm bánh chưng đen vào mỗi dịp tết đến, xuân về để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và đất trời. Trước tết khoảng nửa tháng, các gia đình trong bản Thái đã rục rịch làm bánh chưng đen.

Theo những người già ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, để có chiếc bánh chưng đen vừa ngon, vừa đẹp mắt thì phải trải qua nhiều công đoạn như làm nhân bánh, chọn gạo, trộn gạo với bột than cây núc nác tạo màu đen và vị thơm cho bánh, chọn lá dong…

Nguyên liệu làm bánh trưng đen của người Thái Mường Lò

Núc nác vừa là vị thuốc vừa là món ăn quen thuộc trong ẩm thực mà người Thái yêu thích. Cây núc nác mang về được tước vỏ, phơi khô, đốt thành than. Sau đó giã than mịn như bột rồi trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu, làm bánh mới ngon.

 Nguyên liệu làm bánh trưng đen.

Lá dong rửa sạch rồi lau cho thật khô, cắt bớt gân cho lá mềm, khi gói lên bánh mới đẹp. Cũng là nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ, thịt lợn chọn miếng có nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp gia vị cho vừa ăn nhưng trong nhân bánh người Thái trộn thêm hoa vừng đen tạo vị ngon khác biệt với loại bánh chưng thông thường.

Chiếc bánh được gói theo hình tròn, dài.

Kết thúc các công đoạn chuẩn bị là gói bánh. Chiếc bánh chưng đen có hình tròn, dài được gói lên thể hiện được sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Thái. Theo tục lệ của người Thái, trước đây, gói bánh chưng đen là một trong những tiêu chí để lựa chọn nàng dâu. Việc chuẩn bị nguyên liệu cho bánh chưng đen chỉ có người con dâu trưởng trong nhà làm, gói bánh và luộc bánh do đàn ông trong nhà có kinh nghiệm và khéo tay làm. Các thành viên khác chỉ phụ giúp.

Người Thái quan niệm, con gái phải biết gói bánh chưng đẹp, khi bóc ra bánh phải đen ánh, có độ dẻo quánh và lúc thưởng thức thì bánh có đủ vị thì mới là người con gái khéo léo, đảm đang, sẽ là người vợ hiền, người con dâu tốt. Sau 8 đến 10 tiếng luộc trong nồi, bánh được vớt ra cho vào chậu nước lạnh rửa qua rồi treo lên cho để được lâu.

Bánh trưng đen độc đáo

Mùi gạo nếp thơm quyện với mùi tro nếp khiến người ăn có cảm giác như đang được giao hòa cùng cỏ cây, ruộng đồng, cùng thiên nhiên hoang sơ người Thái. Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường nên có tác dụng “hạ hỏa”. Theo quan niệm của người Thái xưa, tài khéo léo khi gói bánh chưng đen là một tiêu chí để chọn nàng dâu tốt.

Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường nên có tác dụng “hạ hỏa”.

Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của những người gói bánh. Bánh chưng đen giờ không chỉ được thưởng thức trong ngày tết, ngày hội của bản mà đã trở thành món ăn giàu bản sắc văn hóa của người dân và là món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách khi đến Mường Lò.

Đặc sắc trong ẩm thưc của người dân Yên Bái, không chỉ là nếp Tú Lệ, chè suối Giàng hay măng tươi, táo mèo, mà còn là hương thơm bánh chưng đen của người Thái ở Mường Lò mỗi dịp Tết đến xuân về. Cảnh sắc, con người và ẩm thực đặc sắc đã tạo thế mạnh cho Yên Bái để trở thành vùng đất tương lai đầy hứa hẹn cho du lịch.

VT (Amthucdulich)

    nguonlangvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ