Đắk Nông có hơn 142.000ha cà phê, sản lượng trên 360.000 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên (sau Đắk Lắk và Lâm Đồng). Những năm qua, sản xuất cà phê của tỉnh đã đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển bền vững.
Đó là tình trạng biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, thiếu nước tưới; kỹ thuật canh tác lạc hậu, lạm dụng phân bón hóa học, xâm canh đất lâm nghiệp; làm suy thoái trầm trọng hệ sinh thái...
Các thành viên Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) tham gia lớp tập huấn đào tạo giảng viên do Công ty Cổ phần TMT Consulting tổ chức
Trước thực trạng trên, Đắk Nông đang hướng tới sản xuất cà phê bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu. Trong đó, tỉnh vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Intimex Đắk Nông triển khai Dự án sản xuất cà phê bền vững theo hướng giảm phát thải và đáp ứng các quy định EUDR.
Dự án do đối tác tiêu thụ cà phê bền vững là Chương trình bền vững châu Á - Thái Bình Dương (JDE Peet’s) tài trợ. Công ty Cổ phần TMT Consulting là đơn vị tư vấn thực hiện dự án.
Dự án sản xuất cà phê bền vững tại Đắk Nông có quy mô khoảng 20.000ha cà phê, với trên 10.000 hộ nông dân tham gia. Người dân tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật và sản phẩm được mua với giá theo hợp đồng. Dự án triển khai trong 5 năm. |
Buổi tập huấn về các kỹ thuật canh tác bền vững tại xã Nâm Nung, huyện Krông Nô
Theo ông Phạm Công Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Intimex Đắk Nông, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với tỉnh Đắk Nông trong việc triển khai sản xuất cà phê bền vững, hướng tới giảm phát thải và đáp ứng các quy định của EUDR.
Khi dự án được triển khai tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông), ông Y K’Rum tiếp thu được biện pháp kỹ thuật trồng cà phê hoàn toàn mới hơn so với trước.
Ông Y K’Rum cho biết: “Tôi được học nhiều kiến thức mới về chăm sóc cà phê. Tôi tin tưởng cách làm của dự án sẽ thành công, mang lại hiệu quả lâu dài cho người sản xuất cà phê”.
Kỹ thuật viên Công ty Cổ phần TMT Consulting hướng dẫn nông dân kiểm tra mẫu đất
Theo ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, huyện Krông Nô, sản phẩm cà phê nông dân làm ra là nguồn cung chính của HTX.
Do vậy, cà phê của bà con đạt chất lượng thì sản phẩm sau thu hoạch của HTX mới đáp ứng được yêu cầu của đối tác và thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước.
“HTX rất tin tưởng và đồng hành với bà con nông dân tham gia dự án sản xuất cà phê bền vững. HTX cũng như nông dân kỳ vọng nhiều vào dự án này trong sản xuất cà phê bền vững,” ông Thành cho biết.
Ông Phạm Công Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Intimex Đắk Nông cho biết, công ty đang giúp nông dân nâng cao năng lực thực hành canh tác bền vững.
Một buổi tập huấn sản xuất cà phê bền vững tại xã Tân Thành, huyện Krông Nô
Công ty hỗ trợ người dân cải thiện chất lượng đất, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cà phê tại Đắk Nông. Trong đó, bao gồm việc tổ chức 200 lớp tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật canh tác bền vững, với tổng cộng khoảng 10.000 lượt người.
Ngoài hỗ trợ cây giống cà phê trồng xen, tái canh, công ty thí điểm mô hình bảo hiểm lượng mưa nhằm giúp nông dân giảm thiểu rủi ro trong sản xuất do biến đổi khí hậu.
Công ty chủ trì sẽ tổ chức tập huấn đào tạo giảng viên (TOT) cho khoảng 1.050 lượt người. Các giảng viên sẽ có kỹ năng truyền đạt kiến thức canh tác cà phêbền vững. Đây là nguồn lực chính cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở ở Đắk Nông.
Người dân xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô thực hành biện pháp bón phân cân đối
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô cho hay, mục tiêu của dự án là mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích xã hội, đáp ứng các yêu cầu về hỗ trợ nông dân yếu thế.
Dự án giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đối với dân tộc thiểu số, trong sản xuất cà phê bền vững. "Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Intimex Đắk Nông sẽ triển khai tốt các nội dung của dự án.”
BÌNH LUẬN