A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sản xuất cà phê niên vụ 2018-2019: Nỗi lo về giá

13:39 | 07/12/2018

Theo dự báo, nguồn cung cà phê thế giới niên vụ 2018-2019 sẽ tăng cao kỷ lục, điều này sẽ gây áp lực không nhỏ cho cà phê của Đắk Lắk trong việc cạnh tranh về giá cũng như thị trường xuất khẩu.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2018-2019 được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục 171,2 triệu bao (loại 60 kg), cao hơn niên vụ 2017-2018 tới 11,4 triệu bao, chủ yếu do sản lượng cà phê của Brazil được dự báo tăng cao. Trong khi đó, mức tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2018-2019 được USDA dự báo cũng đạt mức cao kỷ lục 163,2 triệu bao. Lượng cà phê xuất khẩu trên toàn cầu cũng được dự báo tăng cao trong bối cảnh sản lượng tăng. Lượng cà phê tồn kho được dự báo sẽ tăng lên sau đà giảm kéo dài 3 năm liên tục.

Nông dân xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) thu hoạch cà phê

Đối với Việt Nam, USDA dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2018-2019 sẽ tăng lên mức 29,9 triệu bao, tăng 600.000 bao so với niên vụ trước nhờ tình hình thời tiết lạnh hơn và mưa trái vụ tạo thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng. Xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và tồn kho cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2018-2019 cũng được USDA nhận định sẽ tăng lên trong bối cảnh sản lượng tăng. Riêng đối với Đắk Lắk, diện tích cà phê niên vụ 2018-2019 là 204.577 ha, giảm 231 ha so với niên vụ 2017-2018 (trong đó có 2.836 ha trồng mới), năng suất bình quân ước 24,46 tạ/ha (giảm không đáng kể so với niên vụ trước), tổng sản lượng ước đạt khoảng 464.175 tấn.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, nguy cơ Việt Nam không đạt được sản lượng như đã được dự báo trước đó vì cà phê ở Gia Lai bị mất mùa và hạt nhỏ do ảnh hưởng của thời tiết. Tại Đắk Lắk, theo ghi nhận từ những hộ sản xuất cà phê ở một số vùng như Ea H’leo, Krông Búk... thì sản lượng cà phê niên vụ 2018-2019 cũng giảm từ 10-15%. Hiện nay, giá cà phê vẫn chưa có dấu hiệu tăng, giá mới nhất (vào ngày 5-12) ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên ở mức 33.700 - 34.500 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 2 tháng nay. Dự báo, giá cà phê có thể tiếp tục giảm khi vào chính vụ thu hoạch mới.

Nông dân xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) thu hoạch cà phê

Theo đánh giá của Sở Công thương, niên vụ cà phê 2017-2018 là một năm khó khăn cho xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk, với giá xuất khẩu liên tục giảm kể từ đầu vụ dẫn đến số lượng và kim ngạch đều giảm so với niên vụ 2016-2017. Nguyên nhân, niên vụ cà phê 2017-2018 diễn ra trong bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới khi một số hiệp định tự do thương mại có ảnh hưởng lớn phải đàm phán lại, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ở trong nước, cà phê không chỉ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu mà còn bị ảnh hưởng sự cạnh tranh gay gắt về dự báo nguồn cung và giá cả trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng không có lợi cho cả nhà sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh cà phê.

Chính vì vậy, để hạn chế những bất lợi cho sản xuất cũng như xuất khẩu cà phê, quan điểm của tỉnh trong niên vụ mới là không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung tái canh cà phê theo kế hoạch tái canh cà phê đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời tập trung nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 loại hình cà phê chứng nhận phổ biến gồm: 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), UTZ Certifed, RFA (Rừng nhiệt đới) và FLO (Thương mại công bằng). Trong đó, chứng nhận UTZ có 16.668,31 ha và tổng sản lượng 59.495,13 tấn; chứng nhận 4C hiện có 8.502,5 ha, tổng sản lượng 28.563,7 tấn… Sản xuất cà phê theo hướng bền vững này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị cho hạt cà phê Đắk Lắk

Riêng đối với cà phê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, có 15.612,70 ha, sản lượng đăng ký 48.691 tấn/năm. Đáng chú ý, niên vụ 2017-2018, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đã xuất khẩu gần 2.000 tấn cà phê có Chỉ dẫn địa lý, với giá trị tăng thêm khoảng 3-5%. Ngoài ra, những đơn vị sản xuất, thương mại (như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk…) đã cung ứng cà phê nhân có Chỉ dẫn địa lý khoảng gần 3.500 tấn đến các nhà rang xay trong nước. Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, đã có khoảng 100 tấn cà phê rang xay mang thương hiệu (logo) Cà phê Buôn Ma Thuột được thương mại trên thị trường nội địa với giá trị tăng thêm khoảng 3-5%. Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột để tham gia thị trường cà phê đặc sản. Đây là hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị thương hiệu cho cà phê nhân mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam có lợi thế rất lớn, bởi chưa có một quốc gia nào trên thế giới vượt chúng ta về năng suất. Đây được xem là mặt hàng chiến lược, do đó cần có hướng phát triển lâu dài. Đặc biệt, cần đẩy mạnh chế biến sâu để gia tăng giá trị, đồng thời quan tâm phát triển thị trường nội địa.

Để nâng cao chất lượng cà phê, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, bảo đảm tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 95%; trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, mua bán cà phê xanh, non.


Minh Thuận

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ