A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cơ hội lớn cho ngành cà phê

15:02 | 30/12/2020

Những năm qua ngành cà phê có bước phát triển rất nhanh, bền vững và từng bước hiệu quả hơn, đặc biệt sau khi Bộ NN-PTNT phê duyệt đề án tái canh cà phê.

Ngày 29/12, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển sản phẩm Quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghi đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển sản phẩm Quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao

Ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, cà phê là một trong những sản phẩm đóng góp quan trọng vào doanh thu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và GDP quốc gia nói chung. Hiện Việt Nam có trên 664.000ha cà phê, với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm. Trong đó cà phê Robusta chiếm 93% diện tích, cò lại là cà phê Arabica. Cà phê của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong năm 2020 nước ta xuất khẩu ước đạt trên 1,7 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 18% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê toàn cầu.

Tuy nhiên, trên thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam chỉ có tiếng về sản lượng còn về chất lượng chưa được thừa nhận, giá trị hạt cà phê của Việt Nam chưa được đánh giá cao. Nguyên nhân là do cà phê Việt Nam chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới; cơ cấu sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp; xuất khẩu cà phê nhân chiếm đại đa số, chế biến sâu mới đạt 12%.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra công tác lai tạo giống cà phê tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên

Theo ông Nguyễn Quang Tin, để hỗ trợ ngành cà phê tăng giá trị, duy trì vị thế thứ hai thế giới về sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mai tự do Việt Nam-EU(EVFTA) và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017, đưa cà phê vào danh mục sản phẩm thuộc Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020. Để thực hiện Chương trình này, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm Quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” tại quyết định số 4563/QĐ-BNN-KHCN.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, cà phê là ngành hàng rất quan trọng, là một trong 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam và là 1 trong 6 sản phẩm có giá trị xuất khẩu hàng năm đạt trên 3 tỷ USD.

Công tác chọn tạo giống cà phê thời gian qua được tiến hành rất tốt.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, những năm qua ngành cà phê có bước phát triển rất nhanh, bền vững và từng bước đi vào căn cơ hiệu quả hơn, đặc biệt sau khi Bộ NN-PTNT phê duyệt đề án tái canh cà phê. Với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta đạt 120 ngàn ha cà phê được tái canh nhưng thực tế đã tái canh được 152 ngàn ha, bên cạnh đó chúng ta có gần 200 ngàn ha được chứng nhận.

Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao được triển khai mới được hai năm rưỡi, tuy nhiên do hết chu kỳ kế hoạch 5 năm chúng ta phải đánh giá kết quả thực hiện.

Sau khi nghe các đại biểu là các nhà quản lí, nhà khoa học, các doanh nghiệp thảo luận, đánh giá những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai dự án. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, chúng ta đã bàn về khung sản phẩm Quốc gia trúng và đúng so với yêu cầu thực tế. Đó là vấn đề chọn tạo giống, đây là vấn đề căn cơ, rất quan trọng trong quá trình canh tác cà phê

Cùng với đó là gói kỹ thuật cơ giới hóa trong canh tác, bước đầu được triển khai và mang lại hiệu quả. Đặc biệt là khâu chế biến sâu đã có nhiều tích cực. Cách đây 5 năm chúng ta mới chế biến được 7%, thì nay đã tăng lên 12%, cùng với đó đã có nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến giúp đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng mối liên kết trong sản xuất cà phê; xây dựng thương hiệu... Dù triển khai trong thời gian ngắn nhưng chúng ta đã làm được rất nhiều việc, góp phần vào thành tích đạt được của ngành cà phê Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra vườn cà phê tái canh theo dự án VnSAT tại HTX NN Công Bằng, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk.

Hiện nay cơ hội trước mắt cho ngành cà phê rất lớn, đặc biệt là chúng ta đã ký kết 14 Hiệp định thương mại FTA, nhất là Hiệp định VEFTA đã mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Tuy nhiên, để ngành cà phê phát triển bền vững chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới và Bộ NN-PTNT tiếp tục có những chỉ đạo sát với tình hình thực tế các địa phương. Nếu Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài Chương trình sản phẩm Quốc gia giai đoạn 2021-2025 thì chúng ta sẽ xây dựng các khung, các dự án cụ thể để giải quyết”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.

Để Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao thành công, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo các địa phương, các đơn vị tham gia dự án triển khai những công việc trong thời gian tới.

Thứ nhất là khâu giống, chúng ta không được ngơi nghỉ chọn tạo giống dù đã có bộ giống tốt phục vụ canh tác. Bên cạnh đó là triển khai quyết liệt gói kỹ thuật vì hiện nay ngành cà phê ít được cơ giới hóa và cần có các mô hình để tiếp tục nghiên cứu.

Thứ trưởng Lê Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra máy tuốt cà phê giúp giảm nhân công thu hoạch.

Về vấn đề trồng xen, hiện Bộ NN-PTNT rất quan tâm bởi trồng xen là giải pháp cân đối hài hòa, bù trừ cho nhau mang lại hiệu quả cao nhưng phải đúng kỹ thuật để đảm bảo năng suất cà phê. Thực tế nhiều vùng trồng xen bơ, sầu riêng với mật độ rất dày khiến cho cà phê không còn năng suất, do vậy các địa phương phải hết lưu ý.

Thứ đến là chúng ta đã có bộ giống tốt do Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu lai tạo có năng suất, chất lượng cao, do đó các địa phương phải quản lý nguồn cây giống chặt chẽ. Nếu chúng ta không đưa được giống tốt vào trồng thì rất nguy hiểm bởi thời gian đầu tư dài, chi phí lớn…

Đối với chế biến, thời gian tới cần có bước đột phá, rất mong các doanh nghiệp tiếp tục tham gia mạnh mẽ để nâng cao giá trị cà phê. Bởi vì chúng ta chế biến được thì chúng ta tăng thêm thị trường…

Những kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ghi nhận, tiếp thu và giao cho Chủ dự án, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn các quy định của của Nhà nước về triển khai thực hiện dự án.

“Trong thời gian qua, cây cà phê được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và các Bộ, ngành. Ngoài Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao, ngay khi Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào năm 2013 thì Bộ NN-PTNT và Ngân hàng thế giới đã nhất chí đầu tư dự án Chuyển đổi bền vững VnSAT với nguồn vốn 300 triệu USD để tái cơ cấu ngành hàng cà phê và lúa gạo. Đến nay đạt được rất nhiều kết quả, giúp cho ngành cà phê phát triển bền vững hơn”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.

Mai Phương

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/co-hoi-lon-cho-nganh-ca-phe-d280698.html

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ