A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sáng chế tiết kiệm hàng trăm tỷ

14:17 | 14/09/2016

Năm 2015, chiếc máy đo mực nước tự động “độc nhất vô nhị” trên thế giới của Cty TNHH MTV Bắc Hưng Hải đã “chào đời”. Nhìn vào giá thành sản xuất chỉ 1,8 triệu đồng...

Ông Đặng Duy Hiển (giữa) đang kiểm tra hoạt động của máy đo mực nước tự động tại xưởng sản xuất

Nhìn vào giá thành sản xuất chỉ 1,8 triệu đồng, người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó tin rằng, hiệu quả hoạt động của thiết bị ấy có thể sánh tầm với những máy đo mực nước tự động nhập khẩu trị giá hàng trăm triệu đồng.

Người sáng chế ra thiết bị đo mực nước tự động “siêu rẻ” đó là kỹ sư Đặng Duy Hiển, Chủ tịch HĐQT Cty Bắc Hưng Hải.

Tiếng lành đồn xa

Máy đo mực nước tự động này lần đầu tiên được giới thiệu trên Báo NNVN với nhan đề: “Thiết bị thủy lợi “Made in Bac Hung Hai”. Chỉ ít giờ sau khi phát hành số báo, một cán bộ có thâm niên trong ngành thủy lợi đã gọi vào máy di động của tôi.

Ông cất giọng: “Anh có “thổi” sản phẩm của Cty Bắc Hưng Hải lên mây xanh không thế? Một công ty ít kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thiết bị thủy lợi sao làm được chuyện kinh thiên động địa đấy. Trên thế giới chưa có ai sản xuất ra được cái máy đo mực nước tự động ưu việt như thế với giá chỉ vài triệu đồng”.

Đúng một năm sau, tôi có dịp trở lại Cty Bắc Hưng Hải và thực sự bất ngờ khi bước tiến trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ của đơn vị này đã đi quá xa so với tưởng tượng ban đầu.

Truy cập vào website: dangduyhien.com sẽ thấy dữ liệu của hơn 50 điểm đo mực nước của nhiều Cty khai thác công trình thủy lợi (Hưng Yên, Nam Đuống, Bắc Đuống, Bắc Nam Hà…), xí nghiệp thủy nông Vĩnh Bảo (Hải Phòng), hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) và các điểm quan trắc của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… được cập nhật liên tục hằng ngày với tần xuất 60 phút/lần.

Các đơn vị KTCTTL như Liễn Sơn (Vĩnh Phúc), Sông Đáy, Phù Sa (Hà Nội)… cũng đã liên liên hệ với Cty Bắc Hưng Hải để đề nghị hợp tác chuyển giao công nghệ. 11 công nhân tại xưởng sản xuất của Cty làm việc tất bật cả ngày, nhưng vẫn không thể đáp ứng xuể nhu cầu sử dụng của đối tác.

Ông Hiển kể, sau khi thử nghiệm thành công tại 12/12 điểm đo mực nước của Cty, thiết bị này bắt đầu được giới thiệu, chuyển giao cho các đơn vị trong và ngoài ngành. Nghe thuyết trình về nguyên lý hoạt động của chiếc máy, nhiều người rất ấn tượng. Nhưng, điều họ ngờ ngại nhất là cỗ máy ấy có hoạt động ổn định lâu dài và dễ dàng sửa chữa, bảo dưỡng hay không?

Tháng 3/2015, ông Nguyễn Văn Tú, GĐ Cty MTV KTCTTL Hưng Yên bạo gan đặt hàng Cty Bắc Hưng Hải 9 chiếc máy đo mực nước để lắp đặt tại các công trình đầu mối.

Sau khi hoàn thiện, vị lãnh đạo này khoái lắm, bởi chỉ cần mở mạng ra là số liệu đo đạc tại các điểm công trình đã hiển hiện trước mắt mình nên rất chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ông lập tức đặt thêm 10 máy đo mực nước để mở rộng ứng dụng công nghệ này. Từ đó đến nay, 19 thiết bị trên vẫn hoạt động ổn định và cho số liệu chính xác.

Cơ chế hoạt động của thiết bị đo mực nước này dựa trên định luật Ác-si-mét với nguyên lý cân bằng lực, đo mực nước bằng phương pháp dùng phao. Trọng lượng phao là 300g, nên muốn cân bằng lực thì phải bố trí một cánh tay đòn nằm ngang, một bên là phao và một bên là đối trọng (nặng tương đương quả phao).

Việc điều khiển phao bằng động cơ thông qua hệ thống dây cuộn. Khi phao rơi xuống dưới nước, lực đẩy của nước khiến quả phao nổi lên, cánh tay đòn cân bằng lực bị lệch về phía đối trọng. Đó chính là vị trí cần đo mực nước.

Trị số đo đạc sẽ được mã hóa thông qua bộ vi mạch điện tử (được đặt trong gian nhà điều hành) và truyền phát trực tiếp lên trang thông tin điều hành của hệ thống Bắc Hưng Hải thông qua modun sim 3G. Tra cứu trên Google và Youtube, chưa có bất cứ ai ứng dụng định luật Ác-si-mét để chế tạo ra máy đo mực nước như sáng chế của ông Đặng Duy Hiển.

Công nghệ đột phá

Ông Hiển dẫn tôi thăm một vòng khu xưởng sản xuất thiết bị thủy lợi của công ty. Trong đó, cỗ máy giá trị nhất là chiếc máy cắt laze CNC. Nó có thể cắt/trạm trổ bất cứ hình thù nào dựa trên hình ảnh lập trình trên phần mềm tin học chuyên dụng với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Vị Chủ tịch HĐQT bảo rằng: Tất cả cơ sở vật chất để tạo nên chiếc máy đo mực nước tự động này vỏn vẹn chỉ 240 triệu đồng. Nhiều người không tin, nhưng đó là số liệu quyết toán thực tế, có báo cáo lên Bộ NN-PTNT.

Theo báo cáo của đội tư vấn quốc tế tháng 11/2014 (do Ban CPO lựa chọn) đi kiểm tra và đánh giá hiện trạng hệ thống đo mực nước tự động SCADA được đầu tư lắp đặt tại các công trình là: hệ thống Cầu Sơn - Cấm Sơn; thủy lợi Yên Lập và thủy lợi Kẻ Gỗ (bằng nguồn vốn WB3 với kinh phí gần 13 tỷ đồng, thiết bị của hãng Global Water, Hoa kỳ, bàn giao tháng 12/2012). Nguyên nhân do các thiết bị hỏng không được thay thế kịp thời, giá thiết bị đắt nên các Cty thủy nông không có kinh phí thay thế (1 điểm đo cao độ mực nước trị giá tới 67 triệu đồng).

Ông Hiển nhẩm tính, toàn quốc có khoảng 20.000 công trình thủy lợi cần đầu tư hệ thống giám sát mực nước để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Mỗi năm, ngân sách nhà nước bỏ ra 7.000 tỷ đồng để cấp bù thủy lợi phí. Cân đối chi trong 7.000 tỷ đồng ấy, mỗi công trình thủy lợi chỉ có thể phân bổ khoảng 1 triệu đồng cho công tác giám sát mực nước (vì còn phải chi rất nhiều hoạt động). Vậy, nếu muốn có 67 triệu đồng/công trình thì phải mất hơn nửa thế kỷ mới có đủ kinh phí đầu tư cho hệ thống SCADA.

“Vậy tại sao mình không cố gắng nghiên cứu, sản xuất trong nước thiết bị đo mực nước tự động với chi phí chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/chiếc để hoàn thành mục tiêu trên trong một nhiệm kỳ công tác?", ông Hiển nghĩ.

Cuối năm 2013, sau khi chuyển về hoạt động tại Cty Bắc Hưng Hải, điều đầu tiên ông nghĩ tới là thành lập một phòng nghiên cứu khoa học công nghệ cao (bao gồm cả xưởng chế tạo cơ khí).

Ông Hiển đã tự mày mò nghiên cứu chuyên sâu về 4 lĩnh vực: cơ khí, điện tử, cơ điện tử và công nghệ thông tin. Và chỉ trong vòng 7 tháng, ông đã hoàn thành 7 bản vẽ thiết kế sản phẩm, trong đó mỗi sản phẩm hoạt động theo một nguyên lý khác nhau (sử dụng năng lượng gió; dùng phương pháp định danh, đánh số; dùng camera chụp ảnh cột nước; dùng công-tơ-mét; đo mực nước bằng tính chất dẫn điện của nước…), nhưng khi làm mô hình thử nghiệm, chúng đều bộc lộ hạn chế: chi phí đầu tư cao, độ bền thấp và cho kết quả chưa không thực sự chính xác.

Thiết bị đa năng

Đến khi chiếc máy đo mực nước tự động thế hệ thứ 8 (với nguyên lý hoạt động dựa trên định luật Ác-si-mét) ra đời, nó đã khắc phục được tất cả những hạn chế trên.


Để đáp ứng đơn đặt hàng của đối tác, công nhân tại xưởng cơ khí của Cty Bắc Hưng Hải luôn tất bật làm việc

Để tạo ra nó, ông Hiển đã nhiều đêm thức trắng để thiết kế một hệ thống cơ khí hoàn chỉnh gồm hàng ngàn cấu kiện; lắp ghép, đấu nối từng linh kiện điện tử vào bản mạch, viết phần mềm tin học để đưa mã lệnh vào bảng mạch điện tử, từ đó điều khiển hoạt động của hệ thống cơ khí.

Đồng thời, ông cũng tham gia thiết kế xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin điện tử trên website để tổng hợp tất cả kết quả đo từ thực địa mà máy đo mực nước truyền về. Dựa trên nền tảng của chiếc máy trên, Cty Bắc Hưng Hải còn tích hợp vào đó nhiều ứng dụng mới như đo lượng mưa, quản lý vận hành các trạm bơm tự động.

Cuối năm 2015, Bộ NN-PTNT dự kiến đầu tư một nguồn vốn nằm trong dự án ADB5 trị giá 16,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đo mực nước tự động SCADA của Mỹ cho 11 công trình trong hệ thống Bắc Hưng Hải. Trong khi đó, Cty Bắc Hưng Hải đã sản xuất được máy đo mực nước tự động với chi phí chỉ 1,8 triệu đồng (gồm cả chi phí nhân công và vật liệu). Sau khi xem xét, Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị Bộ NN-PTNT lập một Hội đồng khoa học liên Bộ (TN-MT, NN-PTNT và các địa phương) để đánh giá hiệu quả hoạt động của máy đo mực nước tự động do Cty Bắc Hưng Hải sản xuất.

Hội đồng kết luận: Chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu, giá thành chỉ 1,8 triệu đồng/máy, có modum gọn nhẹ, dễ lắp đặt và sửa chữa, có triển vọng ứng dụng rộng rãi. Đồng thời kiến nghị cho phép áp dụng trong hệ thống Bắc Hưng Hải.

Sau khi có văn bản trên, Bộ NN-PTNT có văn bản cho phép áp dụng thử nghiệm trong hệ thống Bắc Hưng Hải. Cuối cùng, 16,2 tỷ đồng đầu tư dự kiến ban đầu được rút xuống chỉ còn 1 tỷ đồng (hỗ trợ Cty mua máy chủ và màn hình lớn). Như vậy, nếu 20.000 công trình thủy lợi trên toàn quốc được ứng dụng thiết bị này, thì có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách quốc gia so với đầu tư cho hệ thống SCADA của Mỹ.

MINH PHÚC

 
 

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ