A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân đang ở mức báo động

15:04 | 22/12/2017

Bộ TT-TT ghi nhận, năm 2017 có khoảng 14.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam, bao gồm gần 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 tấn công thay đổi giao diện.

Ngày 22-12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Báo cáo của Bộ TT-TT cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới.

Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã ngăn chặn được nhiều cuộc tấn công vào các trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương, nhưng một số trang thông tin của các cảng hàng không vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát.

Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng các dịch vụ đang ở mức báo động.

Hiện tượng mất an toàn thông tin (ATTT) trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử bắt đầu được ghi nhận và tăng về số lượng các sự cố dẫn đến thiệt hại về tài chính của người sử dụng.

Nguồn nhân lực ATTT Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Việt Nam là một trong các quốc gia đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện.

Trong tháng 5-2017 đã diễn ra cuộc tấn công mạng mã hóa dữ liệu của người dùng và tống tiền với quy mô toàn cầu, trong đó một số doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam cũng đã bị lây nhiễm mã độc.


Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới
Năm 2017, các cơ quan thuộc khối ATTT của Bộ TT-TT đã ghi nhận khoảng 14.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam, bao gồm gần 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 tấn công thay đổi giao diện.

Cục ATTT (Bộ TT-TT) cũng ghi nhận trong năm 2017, đã có trên 19.000 lượt địa chỉ máy chủ web tại Việt Nam bị tấn công; trên 3 triệu địa chỉ IP Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách đen (black list) của các tổ chức quốc tế; và có hơn 100.000 camera IP đang được công khai trên Internet của Việt Nam (trên tổng số 307.201 camera IP) tồn tại các điểm yếu và lỗ hổng bảo mật có thể bị khai thác lợi dụng.

Căn cứ trên các số liệu ghi nhận được, thời gian qua, Cục ATTT đã thực hiện cảnh báo, phối hợp xử lý về việc các website/cổng thông tin bị tấn công dưới các hình thức: thay đổi giao diện, cài đặt tệp tin bất thường, lừa đảo, cài đặt mã độc... trong đó cảnh báo tới 200 cơ quan và phối hợp xử lý hơn 100 hệ thống, trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức nhà nước bị tấn công.

Cục ATTT cũng đã ghi nhận trong năm 2017, có hơn 17 triệu lượt truy vấn từ các địa chỉ IP của Việt Nam đến các tên miền hoặc IP phát tán/điều khiển mã độc trên thế giới, chủ yếu là các kết nối tới các mạng botnet lớn như conficker, mirai, ramnit, sality, cutwai, zeroaccess,…

Trước tình hình này, Bộ TT-TT xem việc tăng cường thực hiện công tác đảm bảo ATTT mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tậm của 2018. Theo đó, các cơ quan chức tập trung công tác cảnh báo, hỗ trợ các đơn vị trong công tác bảo đảm an toàn thông tin, phòng, chống các nguy cơ mất ATTT.

Thực hiện đào tạo, diễn tập, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin; hiện các biện pháp kỹ thuật chặn lọc các thông tin vi phạm pháp luật và tin nhắn rác kịp thời ứng phó trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng internet, giữ vững chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

TRẦN BÌNH

 

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ