A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nâng cao năng suất, chất lượng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ

10:14 | 06/06/2018

Với nhiều hộ dân trồng nấm ở huyện Krông Ana, nhờ việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ (KH-CN) mới vào sản xuất, họ đã có thể chủ động cho nấm ra đúng ngày, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để dễ tiêu thụ, giá thành cao.

Có được kết quả này là nhờ quá trình nghiên cứu, tìm tòi của các cán bộ Trung tâm Dạy nghề huyện từ những đề tài nghiên cứu KH-CN về xây dựng mô hình trồng nấm sò, nấm rơm và nấm linh chi có hiệu quả; tiếp đến là quá trình chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho người dân. Với việc ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất nấm trong nhà và theo kiểu treo ngang bịch nấm và cho nấm ra cổ, sử dụng lò hấp khử trùng… đã khắc phục được những nhược điểm so với phương pháp trồng nấm truyền thống, mang lại những ưu điểm  như: không bị rủi ro cao do côn trùng phá hoại, không tốn nhiều công lao động, không chịu tác động lớn của thời tiết, sản phẩm cho thu hoạch theo dự kiến và chất lượng cao, không tốn diện tích; đặc biệt còn cho năng suất cao hơn.

Mô hình trồng nấm của ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Đơn cử như hộ ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (Tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp), chỉ với hơn 400 m2 đất xung quanh nhà, ông đã tận dụng để xây dựng nhà trại sản xuất nấm mèo, nấm sò và nấm linh chi. Với việc chủ động cho nấm ra đúng ngày để thu hoạch vào các ngày 1 và 15 (âm lịch) nên sản lượng nấm của gia đình đều dễ dàng tiêu thụ với mức giá cao, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm ông Chỉnh thu về gần 200 triệu đồng. Với những kết quả đó, hiện nay mô hình trồng nấm đã phát triển mạnh tại nhiều hộ gia đình trên địa bàn các huyện như Krông Ana, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea Súp, TP. Buôn Ma Thuột… Hầu hết người trồng nấm đều ứng dụng tiến bộ KH-CN vào quá trình sản xuất để bảo đảm chất lượng nấm sạch, số lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong ngành chăn nuôi, một bước đột phá để bảo vệ môi trường là việc chuyển giao tiến bộ mới về sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua các lớp tập huấn chuyển giao của Trung tâm Ứng dụng KH-CN cũng như đơn vị khuyến nông cơ sở, mô hình này đã được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng vào thực tế chăn nuôi, đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: giúp gia súc, gia cầm tăng trọng nhanh hơn so với cách nuôi thông thường, giảm thiểu một số dịch bệnh, và quan trọng hơn là có thể tiết kiệm được 10% lượng thức ăn chăn nuôi, giảm tới 60% chi phí nhân công vệ sinh, thuốc thú y, vắc-xin...

Mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học của gia đình anh Lưu Văn Đức ở xã Ea M’Droh (huyện Cư M’gar).

 
 

Giai đoạn 2011- 2015 toàn tỉnh có 55 đề tài ứng dụng triển khai với 126 mô hình hỗ trợ cho các huyện thực hiện. Các đề tài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm 95%, các lĩnh vực khác chiếm 5%.

 
 
TS.Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở KH&CN,

Cụ thể như với hộ ông Lưu Văn Đức (buôn Cuôr, xã Ea M'droh, huyện Cư M’gar) đã ứng dụng mô hình đệm lót sinh học tại trang trại chăn nuôi có diện tích khoảng 1 ha, chăn nuôi gần 500 con heo thịt và hơn 2.000 con gà H’mông. Theo ông Đức, việc chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học mang lại rất nhiều lợi ích như: chuồng nuôi không có mùi hôi, nền chuồng luôn tơi xốp, khô ráo, gà ít mắc bệnh, lớn nhanh, đồng đều, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%... Mô hình chăn nuôi này đem lại lợi nhuận trung bình mỗi năm khoảng 800 triệu đồng.

Anh Y Lem Niê, Trưởng Phòng ứng dụng – chuyển giao (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN) chia sẻ: “Cùng với việc chuyển giao tiến bộ KH-CN về trồng nấm, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, thông qua các đề tài nghiên cứu, nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả cũng đã được chuyển giao đến đông đảo các hộ dân như: mô hình trồng rau thủy canh, sử dụng chế phẩm sinh học để ủ thức ăn cho bò, trồng xen bơ ghép trong vườn cà phê tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trồng cây măng tây xanh… góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng giá trị nông sản và đa dạng hóa sản phẩm”.

Với những kết quả đạt được đã cho thấy vai trò của KH-CN trong việc thúc đẩy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; đồng thời, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, an ninh xã hội.

Thúy Hồng

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ