A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vướng mắc bản quyền giải trí trực tuyến

16:48 | 06/06/2019

Với sự phổ cập của điện thoại thông minh, giải trí trực tuyến ngày càng định hình một thị trường giải trí có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Khai thác giải trí trực tuyến để thu tiền của người xem qua một kênh riêng, hoặc phát sóng miễn phí để thu quảng cáo, đều là những cách làm đắc dụng. Thế nhưng, chính những nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến lại xung đột gay gắt với nhau về bản quyền.

Các chương trình mà POPS bị vi phạm bản quyền.

Công ty POPS chuyên kinh doanh và phân phối nội dung số, mới đây đã dọa kiện Công ty FPT vì vi phạm bản quyền. Công ty POPS cho biết sau hai lần gửi thư khuyến cáo vào ngày 23/1/2019 và 17/4/2019, thì vẫn vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào từ phía Công ty FPT nên buộc họ phải có hành động pháp lý.

Cụ thể, theo thống kê của Công ty POPS, từ năm 2017 đến nay, Công ty FPT đã vi phạm bản quyền với hơn 1800 nội dung của Công ty POPS. Với những lời nhắc nhở đầu tiên, thì Công ty FPT đã tháo gỡ một số nội dung vi phạm bản quyền trên hệ thống FPT Play, nhưng sau đó lại tái diễn với mức độ trầm trọng hơn.

Tháng 1/2019, Công ty POPS không chỉ gửi thư khuyến cáo, mà còn yêu cầu Công ty FPT  bồi thường thiệt hại. Tháng 4/2019, Công ty POPS phát hiện thêm khoảng 303 nội dung do POPS sản xuất, thuộc quyền sở hữu của POPS và hơn 1500 nội dung của đối tác nước ngoài POPS được cấp giấy phép bị Công ty FPT khai thác một cách trái phép.

Bà Esther Nguyễn - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của POPS, thổ lộ ngậm ngùi: “Trong suốt 11 năm ở Việt Nam để phát triển POPS, một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi là thuyết phục các nhà cung cấp nội dung, những nhà kinh doanh nội dung quốc tế đưa vào Việt Nam. Với việc xâm phạm bản quyền từ FPT, POPS buộc phải báo cáo lại với các đối tác quốc tế của mình.

Trong các đối tác thì Nhật Bản là những người bạn "khó tính" nhất. Tôi đã rất vui mừng và hạnh phúc khi có thể đưa được những bộ phim Doreamon hay Pokemon... có bản quyền của Nhật về Việt Nam, phát miễn phí cho trẻ em Việt trên POPS. Nhưng FPT lại xâm phạm bản quyền của chúng tôi và đối tác, trình chiếu và thu phí người tiêu dùng. Tôi rất lo các đối tác phía Nhật sẽ cân nhắc lại".

Dù Công ty POPS đã đưa ra bằng chứng, nhưng Công ty FPT vẫn kiên quyết phủ nhận. Đồng thời, đại diện Công ty FPT cũng cho biết đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi và bày tỏ thiện chí hợp tác với POPS nhưng kết quả đàm phán bất thành: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực và đã nhờ đến luật sư can thiệp để tiếp cận được với POPS làm rõ thông tin, đàm phán hợp tác, đồng thời khẳng định sẽ theo đến cùng vụ việc này nếu POPS vẫn tiếp tục không hợp tác và gây khó dễ cho truyền hình FPT bằng sức ép truyền thông”.

Công ty POPS và Công ty FPT được xem như hai đại gia trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến. Khi chính họ cũng vướng mắc với nhau về bản quyền, thì công chúng không thể đoán định tương lai thị trường số của nước ta sẽ đi về đâu. Bản quyền rất rõ ràng, không thể sư nói sư phải, vãi nói vãi hay.

TUY HÒA

    nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ