A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xử lý tin nhắn rác: Trách nhiệm của nhà mạng

08:33 | 11/06/2020

Trước thực trạng tin nhắn và cuộc gọi rác vẫn không ngớt làm phiền khách hàng, Bộ Thông tin – Truyền thông đã ra quân thanh tra toàn diện. Kết quả thanh tra cho thấy một thực trạng đáng kinh ngạc, đó là rất dễ dàng mua sim rác được kích hoạt sẵn.

Dù đã có quy định của pháp luật về việc không được kích hoạt sẵn thẻ sim, nhưng hầu như các nhà mạng vẫn mắt nhắm mắt mở cho các đại lý “tùy cơ ứng biến”.

Tin nhắn rác liên tục gửi đến làm phiền người dùng.  Ảnh: Hoàng Triều/Nguoilaodong.

Vẫn dễ mua sim kích hoạt sẵn

Chính vì các nhà mạng vẫn cho phép các đại lý kích hoạt sẵn thẻ sim nên việc giải quyết triệt để sim rác, tin nhắn và cuộc gọi rác có thể nói là không tưởng. Từ tháng 3/2019, Bộ Thông tin-Truyền thông đã có văn bản  gửi tới các doanh nghiệp viễn thông với nội dung rất rõ: Nếu còn hiện tượng bán sim rác trên thị trường trong thời gian tới, chủ tịch, tổng giám đốc của doanh nghiệp viễn thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo quy định. Thế nhưng, tròn 1 năm 3 tháng sau khi cơ quan quản lý yêu cầu “siết” sim rác, tình trạng mua sim rác vẫn dễ như mua mớ rau ngoài chợ.

Báo cáo thanh tra diện rộng việc quản lý thông tin di động do Bộ Thông tin - Truyền thông vừa công bố đầu tháng 6 cho thấy, việc quản lý thông tin thuê bao di động hiện nay có nhiều vấn đề. Tình trạng sim rác, sim được kích hoạt sẵn bày bán tràn lan. Theo đó các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã lợi dụng quy định cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng nhiều thuê bao để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin cho nhiều sim rồi thực hiện việc bán sim đã kích hoạt trước.

Sim rác được xem là tội đồ lớn nhất của tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Đáng ngại hơn, trong quãng thời gian gần đây còn có tình trạng cá nhân mua sim rác để thực hiện gọi đe doạ, tống tiền, lừa đảo. Theo phân tích của các chuyên gia, khi chưa quản lý được sim rác thì các cuộc gọi rác vẫn còn.

Nhà mạng nói gì?

Phía VinaPhone cho biết, đã theo dõi và xử lý qua hệ thống theo dõi kiểm soát tin nhắn rác, thu thập thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng của VinaPhone, chặn spam sms bằng cách hạn chế 1 thuê bao gửi đi liên tục số lượng lớn sms... Khi phát hiện các hiện tượng tin nhắn rác VinaPhone sẽ tiến hành xử lý quyết liệt bằng các biện pháp như khóa đầu số, khóa số thuê bao thậm chí cắt hợp đồng với các cá nhân/đối tác vi phạm. Song, giữa lời giải thích của Vinaphone với thực tế khác xa nhau một trời một vực.

Như Đại Đoàn Kết phản ánh ở số báo trước, tình trạng tin nhắn rác không chỉ đến từ sim rác mà còn đến từ các nhà mạng. Bản thân các doanh nghiệp viễn thông cũng thường xuyên gửi tin nhắn rác tới khách hàng để giới thiệu và quảng cáo dịch vụ dù khách hàng không muốn. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, khi không có sự đồng ý của khách hàng, các nhà mạng gửi tin nhắn giới thiệu dịch vụ và quảng cáo là không được phép, nhất là đối với thuê bao trả sau.

Một chuyên gia luật (xin được giấu tên) cho rằng: “Khi bạn đăng ký trở thành thuê bao trả sau, tức là có hợp đồng ràng buộc và đương nhiên các điều khoản thực thi phải được ghi vào hợp đồng. Trong hợp đồng không có điều khoản ràng buộc là nhận tin nhắn quảng cáo, dịch vụ thì các nhà mạng không được phép làm phiền....”.

Đồng quan điểm, Luật sư Hà Huy Phong khi trả lời phóng viên Đại Đoàn Kết cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp viễn thông đang cố tình lách luật. Đó là việc quyền của doanh nghiệp là gửi các thông tin, dịch vụ mới cho khách hàng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Do vậy, các doanh nghiệp viễn thông cứ mặc nhiên gửi. Song, vấn đề ở đây là khách hàng có muốn được hưởng cái quyền lợi mà các nhà mạng mang lại hay không?! Khi người được hưởng lợi là khách hàng từ bỏ quyền lợi của mình (được nhận thông tin sản phẩm mới - PV) thì các nhà mạng không thể cứ thực hiện gửi tin nhắn quảng cáo và giới thiệu dịch vụ.

Với câu hỏi, vậy chặn tin nhắn rác có khả thi? Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, rất khó kiểm soát tin nhắn rác bởi hiện nay chưa có định nghĩa thế nào là tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Chỉ khi nào có văn bản quy phạm pháp luật xác định tiêu chí thế nào là tin nhắn rác thì mới có cách thức để hạn chế, kiểm soát bằng các biện pháp xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thuý Hằng

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/san-pham-so/xu-ly-tin-nhan-rac-trach-nhiem-cua-nha-mang-tintuc468253

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ