A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tự chủ cho giáo dục

09:37 | 21/06/2016

Có nhiều phát ngôn nóng trong bối cảnh bộn bề những vấn đề của giáo dục những ngày qua. Không coi giáo dục là phong trào,...

...  mà là quá trình lâu dài bền vững, có nhiều động thái cho thấy sẽ có những đổi mới trong giáo dục sắp tới. Trong đó, tự chủ là vấn đề đang được đặt ra quyết liệt.

(Ảnh minh họa: Thiên Di).

Xây dựng chương trình giáo dục theo bản sắc địa phương

Cho đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên “đòi” quyền tự chủ về giáo dục bằng một bản kiến nghị gồm 8 điểm trình bày trước Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc đầu tiên của người đứng đầu ngành giáo dục với thành phố lớn và năng động này. 

Thực chất vấn đề một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã là lộ trình đang được chủ trương thực hiện. Đó cũng là kiến nghị rất nhiều năm trước đó của các chuyên gia giáo dục.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, một địa phương chính thức lên tiếng và kiến nghị về vấn đề này. Hơn nữa, không phải chỉ ở việc tự chọn sách giáo khoa trên một khung chương trình chung có sẵn, TP Hồ Chí Minh đề nghị thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Không phải từ phía các nhà nghiên cứu như lâu nay, mà từ các nhà lãnh đạo đã đặt vấn đề bản sắc văn hóa trong chương trình giáo dục, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng cần phải xác định đặc sắc của giáo dục TP HCM: “Văn hóa Sài Gòn là nghĩa khí, hào sảng, dấn thân nên giáo dục phải duy trì những nét đặc sắc đó để văn hóa Sài Gòn không bị mai một”. 

Đây chính là 1 trong những luận điểm mà một chuyên gia có nhiều quan tâm đến giáo dục, TS Lương Hoài Nam, đã từng đưa ra trong bản đề xuất gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là “cần xoá bỏ cào bằng giữa các địa phương về chương trình giáo dục. Không thể có một chương trình giáo dục vừa tốt nhất cho Hà Nội, vừa tốt nhất cho Hà Giang, do điều kiện, nhu cầu của các địa phương này quá khác nhau. Cách làm phổ biến trên thế giới là Bộ Giáo dục quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu, các địa phương tự xây dựng chương trình giáo dục. Nếu địa phương không đủ nguồn lực, kinh nghiệm để làm việc này thì có thể thuê tư vấn, sử dụng chương trình của địa phương khác, hoặc sử dụng chương trình giáo dục tham khảo của Bộ Giáo dục.”

8 kiến nghị về tự chủ giáo dục của TP Hồ Chí Minh đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời ngay lập tức trong buổi làm việc, với tinh thần chung là chấp thuận những đề nghị này.

Một tín hiệu cực kỳ đáng mừng trong câu chuyện về giáo dục nước nhà. Điểm mừng trước tiên thuộc về địa phương, TP Hồ Chí Minh “dám” đề xuất tự chủ và tự tin vào đề nghị đó. Ngược lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã “dám” giao quyền tự chủ. 

Nói như Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, với quy mô 13 triệu dân, nếu cơ chế chính sách nào về giáo dục và đào tạo TP HCM làm thành công khi nhân rộng cả nước sẽ thành công.

Có thể sắp tới sẽ có một phản ứng dây chuyền từ các địa phương, đồng loạt xin quyền tự chủ. Cũng có thể không. Tuy nhiên, nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục không phải là phong trào. Tự chủ là một bước đi cần được tính toán kỹ, chuẩn bị đủ khả năng, nguồn lực. Trong trường hợp chưa sẵn sàng, các địa phương tốt nhất sử dụng chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục. Bởi vì, giáo dục cần những bước đi bền vững, nó không phải là những cuộc thử nghiệm, phiêu lưu. Bởi vì, đằng sau một chính sách giáo dục, là một thế hệ trẻ lớn lên rồi sẽ làm chủ đất nước này. Không ai có quyền đem các em ra để áp dụng những cuộc thử nghiệm. Câu nói của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng rằng: “những vấn đề gì liên quan đến cơ chế chính sách, phương pháp dạy, phương pháp học thuộc ngành giáo dục đều phải căn cứ vào khoa học để quyết định, không phụ thuộc vào ý chí chính trị và ý chí chủ quan của ai khác” không phải chỉ đúng ở địa phương này, mà nên được tham khảo trong khi làm chính sách giáo dục cho đất nước.

Tự chủ đại học: Vẫn phải đảm bảo công bằng xã hội

Việc tự chủ là khó khăn nhưng không phải vì khó mà không làm. Định hướng tới đây là trường đại học không trực thuộc bộ nào cả. Sẽ rất sớm trong nhiệm kỳ của tôi sẽ có các trường không trực thuộc bộ nào như hai ĐHQG hiện nay. Những trường nào có năng lực cao, giải trình tốt sẽ sớm được tự chủ”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Phùng Xuân Nhạ

Cũng liên quan đến tự chủ, là câu chuyện của các trường đại học, cao đẳng. Không phải chỉ là các trường cao đẳng thuộc TP Hồ Chí Minh (theo kiến nghị của Thành phố) mà hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt nghị định về tự chủ đại học. Mặt khác, tự chủ đại học cũng nằm trong 8 vấn đề trọng tâm, thực hiện theo hướng giải quyết dứt điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp tới (đó là các vấn đề: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo, trong đó có mạng lưới các trường sư phạm; Tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; Tiếng Anh; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; Phân luồng sau trung học cơ sở; Tự chủ đại học; Quốc tế hóa giáo dục; Đào tạo nhân lực chất lượng cao).

Như vậy, là lộ trình tự chủ của các trường đại học chỉ còn là vấn đề thời gian, không còn phải bàn cãi trong một quyết tâm đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Việc tự chủ là khó khăn nhưng không phải vì khó mà không làm. Định hướng tới đây là trường đại học không trực thuộc bộ nào cả. Sẽ rất sớm trong nhiệm kỳ của tôi sẽ có các trường không trực thuộc bộ nào như hai ĐHQG hiện nay. Những trường nào có năng lực cao, giải trình tốt sẽ sớm được tự chủ”.

Nhưng, như trong cuộc làm việc gần đây nhất giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với với 61 giám đốc, hiệu trưởng các học viện, trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ, khi vấn đề chính là tự chủ được đưa ra bàn, nhiều đại diện các trường đã nêu ra hàng loạt khó khăn như hệ thống pháp luật còn nhiều nội dung chưa thống nhất, cơ chế chính sách, đặc biệt là tài chính chưa đủ mạnh, nhận thức cũng như điều kiện nguồn lực thực hiện chưa đồng bộ  khiến nhiều trường gặp khó khăn và lúng túng trong việc triển khai tự chủ.

Như vậy, có thể thấy rất rõ sắp tới để ngày càng có được nhiều hơn các trường đại học tự chủ tiệm cận ngày gần với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới còn cần rất nhiều việc phải làm. Ngay cả trên thế giới,  các quốc gia ở các khu vực khác nhau cũng có mức độ tự chủ đại học khác nhau. Thậm chí ở trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ giao cho các trường đại học có thể cũng rất khác nhau tùy theo tính chất, chất lượng của trường đó. Ở một số nước phát triển trên thế giới, vẫn tồn tại song song các trường đại học được trao quyền tự chủ tuyệt đối và các trường vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.

Ở Việt Nam, mô hình tự chủ của Đại học Quốc gia Hà Nội những năm qua cũng sẽ đúc rút được thành kinh nghiệm cho việc giao quyền tự chủ đại học trong thời gian tới. Trong đó, tự chủ phải được hiểu bao gồm tự chủ nguồn nhân lực; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và quản lý sinh viên; tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường… Tránh những biện pháp tự chủ “nửa vời” hoặc trao quyền tự chủ đồng thời vẫn “trói buộc” bởi cơ chế. 

Mặt khác, bản thân các trường cũng phải chủ động vươn lên, chuẩn bị đủ nguồn lực để sẵn sàng “tự chủ”.

Dù thế nào, tự chủ đại học cũng là một xu thế của phát triển, là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.  

Nhưng tự chủ đại học chỉ thành công khi cùng với chất lượng đào tạo tăng lên đồng thời vẫn đảm bảo được công bằng xã hội. 

Nguyễn Đức Thành Vĩnh

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ