A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tây Nguyên - hạn hán ngày càng khốc liệt

14:28 | 24/07/2013

Đã đến lúc các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng bản đồ và quy hoạch hạn hán, phải có quan điểm “sống chung với hạn” nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do hạn gây ra.

Hạn giữa mùa mưa

Tây Nguyên đang vào mùa mưa, những cơn mưa nặng hạt và kéo dài hơn. Nhưng những giọt mưa này chỉ khiến cho những người nông dân thêm xót lòng, giá mà nó đến sớm hơn, đúng thời điểm hơn. “Mưa bây giờ thì không có giá trị nữa. Vì từ tháng 1 đến 5-2013, cây cà-phê cần nước thì trời lại hạn nặng. Giờ năng suất vụ này của vườn cà-phê nhà tôi giảm chừng 40%. Nhiều cây có quả nhỏ và thưa” - chị Kpă Thị Thu (trú xã Cư Mgar, H. Cư M'gar) trăn trở. Đây cũng là tình cảnh tương tự của nhiều hộ trồng cà-phê trong niên vụ 2012-2013. Hạn hán đã làm năng suất của nhiều vườn cà-phê giảm 30-40%. Tính đến tháng 5-2013, tổng diện tích cây trồng bị hạn tại Đắc Lắc khoảng 37.000ha, trong đó gần 3.500ha mất trắng. Cây trồng bị hạn nặng nhất là lúa và cà-phê, với 8.700ha lúa và 27.500ha cà-phê. Tính ra toàn vùng Tây Nguyên, hạn hán ảnh hưởng hơn 100.000ha cây trồng, mất trắng hơn 14.000ha.

Hạn hán còn gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Từ tháng 8-2012, người dân TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) bắt đầu phải chịu cảnh cắt nước luân phiên, ngày có ngày không. Đến tháng 6-2013, ông Trần Văn Thiện - Giám đốc Cty TNHH MTV cấp nước Đắc Lắc, cho biết: Mặc dù đã vào đầu mùa mưa nhưng việc cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Buôn Ma Thuột vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Công suất cấp nước cho TP từ 50.000m3/ngày đêm giảm xuống còn 30.000m3/ngày đêm. Nguồn nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nên 55.000 hộ dân Buôn Ma Thuột chịu cảnh một ngày mất nước, một ngày có nước.

Hạn hán ở Tây Nguyên ngày càng khốc liệt, gia tăng về mức độ và quy mô.

Thiệt hại do hạn hán gây ra ngày càng tăng, đơn cử thiệt hại do hạn vào năm 1996 là không đáng kể thì đến năm 2009 tăng lên hơn 300 tỷ đồng; đến 2012-2013 là 500 tỷ đồng. “Ngoài thiệt hại kinh tế dân sinh, gây nguy cơ thiếu đói, hạn hán còn làm suy thoái, ô nhiễm môi trường, gia tăng dịch bệnh với con người, cây trồng và vật nuôi. Thiệt hại do hạn không giống như lũ lụt, mà quy mô lớn hơn và hậu quả khó khắc phục, thậm chí hàng năm trời chưa khắc phục được” - ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm KTTV Đắc Lắc đánh giá. Chung quan điểm, TS, Nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên 2011-2015, thông tin: “Hạn hán ít khi trực tiếp gây tổn thất về người nhưng thiệt hại về KT-XH và môi trường là rất lớn”. Cũng theo ông Ngưỡng: “Hạn hán ngày càng gia tăng về mức độ và quy mô, thậm chí còn phát triển thêm loại hình khô hạn khác như hạn trong mùa mưa, khô hạn sớm, khô hạn cục bộ, kéo dài bất thường...”.

“Sống chung với hạn”

Với thâm niên hàng chục năm trong ngành khí tượng, ông Ngưỡng nhận xét, 30 năm trở lại đây, diễn tiến khô hạn ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ. Tây Nguyên có lượng mưa hằng năm rất lớn, 1.100-2.800mm. Tuy nhiên, 85-90% lượng mưa phân bố trong mùa mưa từ tháng 5-10, mùa khô kéo dài 6 tháng nhưng chỉ chiếm 10-15% lượng mưa.

TS Nguyễn Đình Kỳ cảnh báo nguy cơ hạn hán và xuất hiện hoang mạc hóa tăng dần theo thời gian trên một số địa bàn ở Tây Nguyên. Theo đó, đến năm 2020, độ dài mùa hạn tăng thêm 10-20 ngày; đến 2050, tăng thêm 35-60 ngày; và đến 2100, mùa hạn dài hơn hiện nay 2,3-3,5 tháng; đồng thời nhiệt độ cũng tăng 2,5-3oC. Trong khi đó, lượng mưa vào năm 2100 có thể giảm đến 10%. “Tây Nguyên trở thành vùng hạn nặng nề nhất ở Việt Nam, và là địa bàn trọng điểm về nguy cơ hoang mạc hóa” - TS Kỳ dự báo.

Mặc dù tình hình hạn hán đã được các nhà khoa học cảnh báo về mức độ và thiệt hại, nhưng các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa có một sự lưu tâm đúng mức. Ông Ngưỡng cho hay, hằng năm, tỉnh Đắc Lắc thành lập ban chỉ đạo chống hạn, có nhiệm vụ ngắn hạn trong một mùa vụ chứ chưa có kế hoạch hành động lâu dài. Những cụm từ quen thuộc là nạo vét kênh mương, tưới tiết kiệm, mua sắm bơm và nhiên liệu... sẽ vô nghĩa khi không còn nguồn nước để bơm tưới. Ông Trang Quang Thành - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Lắc cho biết, Sở đã thí điểm mô hình tưới tiết kiệm cho cây cà-phê ở một số địa phương, nhưng kinh phí cao và bà con đã quen với tưới đại trà. Một số giải pháp khác cũng đã được ngành Nông nghiệp Đắc Lắc áp dụng là chuyển đổi cây trồng chịu hạn, thay đổi kỹ thuật canh tác...

Về phía người dân, cần có ý thức trong việc dùng nước, tránh tâm lý tưới, sử dụng vô tội vạ, ông này thừa, ông kia thiếu mặc kệ, thay vào đó phải là thái độ chia sẻ và tính cộng đồng trong dùng nước. Cần có cơ quan đóng vai trò trọng tài, lập quy hoạch và có chế tài khi tranh chấp nguồn nước. “Phải xây dựng giải pháp tổng thể giải quyết các mâu thuẫn lợi ích trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Về lâu dài phải thực hiện các giải pháp phục hồi như trồng rừng đầu nguồn, bổ sung nguồn nước ngầm, ngăn chặn xói mòn, hoang mạc hóa...” - TS Kỳ nói.

Về mặt chiến lược, ông Ngưỡng phân tích: “Cần xây dựng quan điểm sống chung với hạn như Đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ, thiết lập ngay bản đồ phân vùng hạn với các số liệu phân vùng khí hậu, điều tra dòng chảy bề mặt và nước ngầm, đánh giá cây trồng, diện tích bị hạn... từ đó mới có kế hoạch hành động và ứng xử phù hợp với hạn hán”.

Hoàng Táo

    Nguồn: cadn.com.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ