A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người Nam và thuốc Nam

15:05 | 07/09/2015

Theo Viện Dược liệu, Bộ Y tế, hiện ở Việt Nam có khoảng 600 loài cây thuốc quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đây là một trong những lý do trên đã khiến cho thuốc có nguồn gốc từ dược liệu hiện chỉ đứng khiêm nhường bên cạnh tân dược trên thị trường dược phẩm.
 
 

Cây sâm Ngọc Linh.

Tới thời điểm này, cả nước đã nhập khẩu lượng dược phẩm trị giá 1,353 tỷ USD, tăng hơn 100 triệu USD so với cùng kỳ 2014. Năm 2014, lượng dược phẩm nhập khẩu trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2013... trong khi năm 2008 con số nhập khẩu mới ở mức 864 triệu USD. Những con số minh chứng cho tình trạng nhập khẩu tân dược vào Việt Nam có xu hướng tăng cao, trong khi ngành dược nội địa với tiềm năng dồi dào lại giữ thị phần khiêm tốn.

Dược phẩm được người Việt tin dùng thường có xuất xứ từ Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Anh, Italy... Vừa qua, tác động của việc tăng tỷ giá cũng tác động tới giá thuốc, và thuốc tân dược từ trước đến nay chỉ có tăng chứ không có giảm khiến gánh nặng giá thuốc vẫn tiếp tục đè lên vai người bệnh.

Mặt khác, thói quen sử dụng thuốc kháng sinh của người Việt vẫn chưa có dấu hiệu giảm dù nhiều năm qua Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở người dân thể hiện ở thói quen mua về tự điều trị không cần toa của thầy thuốc, dùng kháng sinh không đúng bệnh, không đúng liều, không đủ thời gian, tùy tiện, hệ lụy của nó là chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị hạn chế về các phương thuốc điều trị.

Bên cạnh đó, theo Bộ KH-ĐT, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định nhu cầu sử dụng thuốc ở Việt Nam và thế giới đang có xu hướng ưu tiên các sản phẩm từ thiên nhiên, nhất là những thuốc có nguồn gốc dược liệu vì ít có hại và phù hợp quy luật sinh lý của cơ thể. 

Nhìn lại nguồn dược liệu sẵn có trong nước, rõ ràng chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng một ngành công nghiệp dược để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho toàn dân. Việt Nam được thế giới đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á.

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có truyền thống lâu đời trong việc sử dụng các loại cây để làm thuốc. Lịch sử y học dân tộc ta cũng gắn với cây thuốc Nam. Đại danh y Tuệ Tĩnh là biểu tượng của trường phái thuốc Nam với câu nói nổi tiếng: “Nam dược trị nam nhân” (Thuốc Nam  trị bệnh cho người Nam). Trong cuốn “Hồng nghĩa giác thư y”, ông biên soạn khoảng 500 vị thuốc Nam. Đặc biệt, các cuốn “Phú thuốc Nam” và “Nam dược thần hiệu” của ông hiện vẫn được đánh giá cao và có giá trị lớn đối với y học hiện nay.

Nói về chủng loại cây dược liệu của Việt Nam, trong số hơn 12.000 loài thực vật thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc, vùng phân bố rộng khắp cả nước, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang...

Kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế đã khẳng định, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý từng được nghiên cứu sử dụng  lâu đời trên thế giới.

Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là nguồn dược liệu quý giá ấy lại chưa được vận dụng triệt để vào ngành công nghiệp chế biến thuốc phục vụ cộng đồng mà chủ yếu được khai thác để bán nguyên liệu thô. Thời gian qua, chúng ta khai thác một cách ồ ạt, không có kế hoạch và chưa chú ý đến tái sinh, bảo vệ rừng làm nguồn cây thuốc ở Việt Nam bị tàn phá nhanh và cạn kiệt.

Theo Viện Dược liệu, Bộ Y tế, hiện ở Việt Nam có khoảng 600 loài cây thuốc quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đây là một trong những lý do trên đã khiến cho thuốc có nguồn gốc từ dược liệu hiện chỉ đứng khiêm nhường bên cạnh tân dược trên thị trường dược phẩm.

Thống kê từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, trong tổng số hơn 20.000 sản phẩm thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam đến thời điểm này chỉ có 2.040 sản phẩm thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, chiếm khoảng 10%. Theo đó, giá trị kinh tế của thuốc từ dược liệu đem lại cho ngành dược cũng chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng trị giá thuốc sản xuất trong nước.

Và tổng thể về ngành công nghiệp dược ở Việt Nam cho thấy các DN dược phẩm Việt Nam mới phát triển sau năm 1990, có tuổi đời khá trẻ so với thế giới. Hiện có khoảng 200 DN sản xuất thuốc, trong đó có 98 DN sản xuất tân dược, 80 DN sản xuất đông dược và 30 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. Hệ thống phân phối thuốc rộng khắp cả nước với trên 2.200 đơn vị và 43.000 cơ sở bán lẻ.

Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp dược hiện đại, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và chưa có công nghiệp sản xuất nguyên liệu dược. Công nghiệp dược Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc tân dược của người dân và 50% còn lại phải nhập khẩu, chưa kể nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và các hoạt chất để sản xuất thuốc...

Nguy cơ thị trường nội địa sẽ bị các nguồn dược nước ngoài chiếm lĩnh đã thấy rõ, nhất là tới đây chúng ta bước vào thời kỳ mới của hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, trong tình thế đó, cũng có tín hiệu vui. Đó là ngày 16/8 vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh” đến năm 2030 tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam, phát triển quy mô lên đến 100.000ha với tổng vốn đầu tư lên đến gần 9.500 tỉ đồng.

Cùng với dự án phát triển sâm Ngọc Linh, thì ở phạm vi hẹp hơn, Quảng Nam cũng gấp rút thiết kế đề án khuyến khích, bảo tồn và phát triển 7 loại dược liệu quý (gồm sa nhân tím, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, bạc hà, nghệ, hoài sơn). Đây là một kỳ vọng của tỉnh Quảng Nam muốn biến tiềm năng dược liệu thành những sản phẩm có thương hiệu.

Và đây cũng là tín hiệu đáng mừng của việc vực dậy nguồn dược liệu quý của Việt Nam. Bởi nếu không đi đến tận cùng để cho ra những thương phẩm chất lượng với tiêu chuẩn cụ thể, thì xứ sở của những cây thuốc quý vẫn tiếp tục “ngủ quên” dưới các tán rừng. 

 Phương Đông

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ