A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Một gia đình có 2 con nhỏ cùng tử vong do vi khuẩn ăn mòn cơ thể Whitmore

13:47 | 18/11/2019

Trong 7 tháng, một gia đình ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã mất 3 người con từ 1 đến 7 tuổi, trong đó xác định 2 cháu trai 2 và 5 tuổi tử vong do mắc vi khuẩn Whitmore.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 18-11, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết đang điều tra dịch tễ về trường hợp bé trai T.Q.H. (SN 2018 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore - loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương hay xước ngoài da và "ăn mòn" cơ thể.

Ảnh minh họa

Cùng ngày, một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cũng xác định bệnh nhi này được điều trị tại bệnh viện. Ngay sau khi trẻ vào viện, có cơn sốc, đã đưa vào khoa cấp cứu, điều trị kháng sinh nhưng cơn sốc đã trở lại nên trẻ tử vong. Trước đó, anh trai của cháu bé cũng đã tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Sáng 18-11, bệnh viện đã chia sẻ thông tin về 2 ca bệnh với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội. Hiện trung tâm này đã có một đội cơ động về điều tra dịch tễ, môi trường và con người cũng như có hướng dẫn cho gia đình, địa phương về phương thức vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Sóc Sơn, ngày 16-11, bệnh nhi T.Q.H. tử vong tại bệnh viện Nhi Trung ương sau vài ngày điều trị tích cực. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé này cũng nhiễm vi khuẩn Whitmore. Cháu bé này được phát hiện sốt hôm 10-11. Ngày hôm sau, gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, sau đó là Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh nhi nhưng đã tử vong sau đó.

Trước đó, cháu T.C.V. (SN 2014, là anh trai cháu H.) cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 28-10 và đến ngày 31-10 thì tử vong.

Theo gia đình bệnh nhi, trước ngày vào viện 1 ngày (ngày 27-10), bệnh nhi V. xuất hiện sốt 38,5 độ C kèm theo đau bụng và gia đình không điều trị gì. Đến 5 giờ chiều ngày 28-10, bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21 giờ ngày 31-10, bệnh nhi đã tử vong tại bệnh viện này với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi V. được lấy máu xét nghiệm và được xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore. Tiền sử bệnh nhi cho thấy cháu khỏe mạnh, không mắc các loại bệnh mạn tính.

Đáng chú ý, hai cháu bé vừa tử vong nói trên cũng đã có chị gái (SN 2012) đã mất do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ cách đây vài tháng (tháng 4-2019).

Về cái chết của cháu gái này, theo lời kể của ông nội bé gái, trẻ xuất hiện sốt ngày 6-4-2019 và không có biểu hiện gì khác nên gia đình tự mua thuốc về điều trị. Đến chiều tối ngày 8-4 gia đình đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, sau điều trị tại đây 1 ngày không thuyên chuyển thì đưa đến bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây, trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường huyết hoại tử đường ruột. Trẻ tử vong lúc 7 giờ sáng ngày 9-4.

Kết quả điều tra tại gia đình các cháu bé nói trên cho thấy, gia đình có 7 người, trong đó bố mẹ của các cháu đều là công nhân, còn ông bà làm nông nghiệp và đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc loại vi khuẩn nguy hiểm này.

Cơ quan chức năng địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nghi mắc bệnh tương tự.

Tại các cơ sở y thế thời gian vừa qua, liên tiếp có các trường hợp mắc và tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore. Nhiều người gọi loại vi khuẩn này là "vi khuẩn ăn thịt người". Tuy nhiên theo giới chuyên môn đây không phải là vi khuẩn "ăn thịt người".

PGS-TS Đỗ Duy Cường (Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết bệnh không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người, tuy là một bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao. Hiện bệnh đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp, thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp-xe cơ, bệnh hệ thống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.

Hiện, bệnh Whitmore chưa có vắc-xin phòng bệnh, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiện phòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn. Khi cơ thể xuất hiện các vết thương ngoài da, có dấu hiệu nhiễm trùng, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

D.Thu

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ