A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mang thai hộ, thuận mà chưa dễ

14:37 | 12/01/2015

Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thay vì nghiêm cấm như trước đây.

Tuy nhiên, hoạt động này phải được kiểm soát chặt mới tránh xảy ra tình trạng thương mại hóa, cũng như không ảnh hưởng tới tương lai của trẻ em sinh ra trong trường hợp này. Với các cặp gia đình hiếm muộn thì việc cho phép mang thai hộ sẽ giúp biến ước mơ có con của họ thành sự thật. 
 
 
Trẻ sơ sinh ở BV Phụ sản Trung ương
 
Các yếu tố kỹ thuật đều chặt chẽ
 
Về kỹ thuật, mang thai hộ là hình thức nhờ bệnh viện lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ. Những năm vừa qua do nước ta cấm mang thai hộ, nên đã có người phải ra nước ngoài để thực hiện dịch vụ này. Trở về nước, họ gặp rất nhiều khó khăn khi làm giấy tờ, xác định hồ sơ nhân thân cho cháu bé. 
 
Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vậy những đối tượng nào được cho phép nhờ người mang thai hộ? Theo quy định, có 3 trường hợp là những người bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, những người phải cắt tử cung vì tai biến sản khoa và những người mắc các bệnh lý nội khoa được chỉ định không nên mang thai. 
 
Điều quan trọng, người mang thai hộ phải đủ các điều kiện: Là thân thích cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. 
 
Người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế. Bên nhờ mang thai hộ cũng phải có đủ xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung và họ đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. 
 
Nếu người mang thai hộ, người trong dòng họ tiết lộ "bí mật”?
 
Để tránh được tình trạng lạm dụng mang thai hộ cũng như không lạm dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, ngành y tế cho biết, chỉ trong những trường hợp người phụ nữ không thể mang thai được xét về các yếu tố kỹ thuật y học, thì lúc đó mới xem xét, chuyển sang kỹ thuật mang thai hộ, lúc đấy mới đảm bảo được yêu cầu. Bộ Y tế cũng quy định điều kiện chặt chẽ cho trường hợp mang thai hộ nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng, thương mại hóa, tránh tình trạng đẻ thuê, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. 
 
Nhưng nếu những người trong gia đình chỉ đủ các yếu tố "kỹ thuật” để mang thai hộ, mà không đủ yếu tố "tinh thần” cần thiết đảm bảo an toàn cho sự phát triển tâm sinh lý lâu dài của đứa trẻ được mang thai hộ, thì người nhờ mang thai phải tính toán sao?
 
Đây chính là vấn đề "chưa dễ” của quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nếu chỉ cho phép người thân thích cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con được phép mang thai hộ và chỉ được mang thai hộ một lần, cơ hội nhân đạo cho người hiếm muộn bị thu hẹp. Đó là chưa kể những bí mật người nhờ mang thai hộ muốn sống để dạ chết mang theo, về việc mình không "dứt ruột sinh con ra”, sẽ không được đảm bảo, khi người đồng ý mang thai hộ là "người nhà”. Dù họ giữ bí mật như cam kết, thì người trong dòng họ biết chuyện có thể sẽ tiết lộ bí mật.
 
Hoặc hợp đồng ký kết khẳng định người mang thai hộ phải tuyệt đối bí mật với đứa trẻ sau này, nhưng việc bội tín xảy ra vì nhiều nguyên do, đứa trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn hơn cả. Mục đích nhân đạo có thể bị ô nhiễm, một khi đứa trẻ lớn lên bị những ám ảnh chi phối không cần thiết, về người "dứt ruột sinh ra” không phải là mẹ đẻ/mẹ ruột mình.
 
Đành rằng phải ra nước ngoài để thực hiện dịch vụ này khi trở về, việc làm giấy tờ liên quan cho sự ra đời của trẻ nhiều phức tạp. Nhưng so với những phức tạp có tính "nguy cơ tiềm ẩn” có thể xảy ra với gia đình người nhờ mang thai hộ, có thể bố mẹ đứa trẻ vẫn chọn cách thứ nhất, nhờ "người dưng” mang thai hộ an toàn hơn về mặt tinh thần. Và như thế, quy định cho phép mang thai hộ ở ta không thể nói sớm đi vào cuộc sống. Dù đến nay, dự thảo hướng dẫn thực hiện việc mang thai hộ theo Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi đã gần như được hoàn tất. Các bộ ngành đều đã thống nhất với dự thảo của Bộ Y tế.
 
Thanh Như
 
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang: 
Có cơ sở pháp lý và tư vấn y tế để trẻ không bị sốc khi vô tình biết người mang thai hộ đẻ ra mình
 
Mang thai hộ theo luật chỉ được phép thực hiện trong cùng huyết thống ít nhất 3 đời liên tục. Điều này nhằm ngăn chặn hiện tượng đẻ thuê mang tính chất thương mại trong xã hội. Tuy nhiên, Luật cũng quy định bên đề nghị mang thai và bên nhận mang thai phải có hợp đồng pháp lý thoả thuận và phải được tư vấn tâm lý y tế trước khi tiến hành. Với những động thái này, hai bên có thể sẽ lường trước được những hậu quả sau này có thể xảy ra như những biến chứng y tế người nhận mang thai trong và sau khi đẻ, đứa trẻ vô tình, hữu ý biết được người trực tiếp đẻ ra mình là ai… Tôi nói có thể lường trước được vì với hợp đồng thoả thuận nói trên, quan hệ giữa hai bên sẽ được chấm dứt sau khi đứa trẻ được sinh ra và trao cho bên đề nghị mang thai hộ. Mặt khác mọi tư vấn tâm lý y tế cần tập trung giải quyết vấn đề ràng buộc tình cảm mẫu tử giữa người mang thai hộ và đứa trẻ. Người mang thai hộ không phải là mẹ đứa trẻ. Tất nhiên không đơn giản chỉ có thế. Nhưng chúng ta có thể tư vấn được cho trẻ, nhất là sau khi chúng lớn lên có hiểu biết.
 
Trần Ngọc Kha (ghi)

 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ